Biên phòng - Nghệ An có địa bàn biên giới rộng, địa hình rừng núi hiểm trở, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, BĐBP Nghệ An thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Cho đến bây giờ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch vẫn chưa quên Chuyên án mang bí số “321L” triệt phá thành công đường dây mua bán người sang Trung Quốc. Chị Lương Thị Thu, ở bản Khốm, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, là một trong 3 nạn nhân đã được giải cứu kịp thời trong chuyên án này. Từ một nạn nhân bị lừa bán qua biên giới, chị trở thành một tuyên truyền viên tham gia tích cực các hoạt động trong công tác phụ nữ. Hiện nay, chị đang đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, nhân viên y tế bản Khốm.
Nhớ lại ngày mình may mắn được giải cứu kịp thời, chị Lương Thị Thu cho biết: Do hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, thấy có một số người đến rủ rê đi lao động ở các huyện dưới xuôi lương cao, công việc nhẹ nhàng nên tôi đã tin và nghe theo. Nhưng không ngờ, đây lại là đường dây mua bán người. May nhờ có BĐBP Nghệ An kịp thời phát hiện và giải cứu đưa trở về địa phương, không thì bây giờ tôi không biết đang ở phương trời nào.
Từ nỗi khổ của mình, chị Thu đã cố gắng chăm chỉ làm ăn vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, chị trở thành tuyên truyền viên của bản Khốm để tuyên truyền cho nhân dân trong bản, nhất là phụ nữ và trẻ em gái nâng cao cảnh giác, để phòng ngừa và tố giác các đối tượng có ý định lừa gạt phụ nữ đưa qua biên giới bán.
Qua kết quả công tác khảo sát nắm tình hình, hoạt động mua bán người; hiện nay, trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An có 75 người bị bán ra nước ngoài, trong đó có 52 người đã trở về. Từ năm 2016 đến nay, BĐBP Nghệ An đã tiến hành điều tra, xác minh, bắt 2 vụ với 2 đối tượng, giải cứu 5 nạn nhân bị lừa bán; phối hợp với BĐBP Quảng Ninh điều tra, giải cứu 3 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Điển hình, vào lúc 10 giờ, ngày 10-5-2016, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Thông Thụ, BĐBP Nghệ An phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh và Công an Trung Quốc đã tổ chức giải cứu thành công 3 nạn nhân (quê ở bản Lốc, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An).
Theo Đại tá Nguyễn Chí Tý, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Nghệ An: Đặc thù địa bàn biên giới tỉnh có nhiều núi cao, rừng rậm hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt... Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng mua bán người lợi dụng lừa gạt phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái đang học tại các trường phổ thông. Chính vì vậy, để đấu tranh ngăn chặn các hoạt động của tội phạm mua bán người, cán bộ, chiến sĩ đã phải mưu trí, dũng cảm vượt qua khó khăn, thử thách, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này để bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân.
Cùng với đấu tranh ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người, các đơn vị BĐBP còn thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng, các cơ quan, đoàn thể như MTTQ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, cựu chiến binh... trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng có biểu hiện lừa gạt, mua bán người trên địa bàn. Các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới làm tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Đối với những chị em trên địa bàn biên giới có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các đồn Biên phòng phối hợp Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên động viên, giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tạo thêm thu nhập, từng bước ổn định kinh tế gia đình.
Đối với những nạn nhân bị bán ra nước ngoài trở về, các đồn Biên phòng cử cán bộ gặp gỡ, động viên để nạn nhân khai báo sự việc, làm đơn tố cáo tội phạm, đưa kẻ phạm tội ra xử lý trước pháp luật. Đồng thời, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để chị em ổn định cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng..., kêu gọi các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm giúp đỡ để họ có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng đã tích cực tham mưu cho địa phương, ngành Giáo dục, các trường học trên địa bàn lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng vào chương trình giáo dục cho các em học sinh trên địa bàn biên giới.
Ông Lương Tiến Lê, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch đánh giá: Để đấu tranh ngặn chặn có hiệu quả hoạt động mua bán người trên địa bàn, hằng tháng, đồn và xã đi đến từng bản để tổ chức họp dân, tuyên truyền pháp luật, đồng thời, triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người.
Tuy nhiên, để đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn mua bán người trên điạ bàn, thời gian tới, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức xã hội cần có chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm, cho vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo... cho đối tượng phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bọn buôn người ở những vùng kinh tế khó khăn. Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân trong khu vực biên giới nâng cao cảnh giác với tội phạm mua bán người, các địa phương cần tổ chức xử lưu động các vụ án mua bán người nhằm giáo dục, răn đe những đối tượng đang có ý định phạm tội.
Với những việc làm thiết thực, năm 2018, BĐBP Nghệ An đã đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi nạn mua bán người qua biên giới, góp phần giúp ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh.
Hải Thượng