Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 12:27 GMT+7

Cảnh giác với tính hai mặt của mạng xã hội

Biên phòng - Đó là chia sẻ của Đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy BĐBP Hà Giang khi trao đổi với phóng viên (PV) về tác dụng tích cực và mặt trái của mạng xã hội (MXH), thực trạng, giải pháp nâng cao văn hóa mạng cho thế hệ trẻ ở miền núi, vùng sâu vùng xa (MN, VSVX). "Hiện nay, đang có tình trạng nhiễu thông tin trên MXH, trong đó, thể hiện rõ nhất là các thông tin xấu, độc, không có thật do các đối tượng xấu tung lên nhằm chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Để hạn chế những tác động xấu của MXH đối với thế hệ trẻ ở MN, VSVX cần phải có những giải pháp đồng bộ và hữu hiệu…" - Đại tá Lưu Đức Hùng nhấn mạnh.

57e8949ddeafa48fca00043e
Đại tá Lưu Đức Hùng. Ảnh: PV

Theo Đại tá Lưu Đức Hùng, khi xã hội phát triển, các sản phẩm công nghệ thông tin, trong đó có MXH trở thành một trong những nhu cầu cần thiết đối với con người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích do MXH mang lại thì việc đua theo những "trào lưu xấu", đang biến các trang MXH thành những cái bẫy nguy hiểm đối với người sử dụng. Có thể nêu ví dụ, bên cạnh hàng trăm mạng, diễn đàn xã hội khác tại Việt Nam, MXH được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Facebook. Phải thừa nhận Facebook có rất nhiều tiện ích, nhất là sự kết nối thông tin và những ứng dụng giải trí thú vị. Nếu sử dụng đúng mục đích và ở chừng mực phù hợp, MXH này sẽ là công cụ hữu hiệu cho người dùng.

Thế nhưng, trên Facebook hiện nay luôn tồn tại tính hai mặt của thông tin, nghĩa là thông tin bổ ích cũng nhiều nhưng thông tin độc hại, tiêu cực cũng không phải ít. Nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp, người dùng rất dễ sa vào những cái không hay.

PV: Với bản chất "hai mặt" của MXH, theo đồng chí, cái không hay lớn nhất của nó được thể hiện ở điểm nào?

Đại tá Lưu Đức Hùng: Đó là những thông tin không xác thực, chưa được kiểm chứng. Chúng ta biết rằng, một trang blog hay trang Facebook được thiết lập, người dùng đồng thời là chủ trang, vừa là "tổng biên tập", "biên tập viên", vừa là tác giả của thông tin đưa lên mạng. Do sức lan tỏa rất nhanh trên mạng, những thông tin sai lệch, tạp nham, vô bổ, thậm chí độc hại có khả năng ảnh hưởng nhanh, rộng đến nhiều đối tượng, gây hoài nghi, hoang mang, làm mất phương hướng, niềm tin trong cuộc sống, nhất là đối với những người thường xuyên tiếp cận với MXH nhưng chưa có đủ kiến thức, tâm thế vững vàng để có thể nhận rõ trắng, đen, hư, thực. Người ta ví MXH như một "con dao hai lưỡi" cũng là vì thế.

PV: Về mặt an ninh, trật tự, với những người dùng Facebook, MXH ở MN, VSVX, nguy cơ đặt ra cụ thể nhất là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Lưu Đức Hùng: Không chỉ ở thành thị, miền xuôi, thời gian qua, MXH, đặc biệt là Facebook đã trở thành kênh thông tin, giải trí đa chiều thịnh hành ở khu vực MN, VSVX. Chúng đã len lỏi vào nhiều độ tuổi khác nhau nhất là giới trẻ, trở thành món ăn tinh thần với các hoạt động giải trí, làm quen, kết bạn, chia sẻ thông tin. Thế nhưng, cũng vì MXH trở thành một phương tiện giao tiếp thịnh hành, tội phạm lợi dụng MXH đã thâm nhập mạnh vào vùng MN, VSVX với nhiều chiêu trò, hình thức tinh vi.

Do sự hạn chế về kiến thức xã hội, pháp luật của một bộ phận người dùng MXH ở các vùng này, nên họ dễ sa vào cái bẫy của những kẻ lợi dụng một cách có chủ đích. Chúng ta có thể thấy nhiều vụ án ma túy, buôn người mà nạn nhân là người dân tộc thiểu số bị lôi kéo phạm pháp thông qua Facebook. Thậm chí, có vụ tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội mà chỉ đến khi bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý, thủ phạm là người ở vùng miền núi, dân tộc mới nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

 PV: Đối với hoạt động lợi dụng MXH để thực hiện "Diễn biến hòa bình", nhất là ở MN, VSVX, vùng dân tộc thiểu số, đồng chí có thể chia sẻ điều gì?

Đại tá Lưu Đức Hùng: Ở bất kỳ môi trường nào, hoạt động lợi dụng Internet nói chung, MXH nói riêng để chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực phản động cũng diễn ra hết sức tinh vi, xảo quyệt với các chiêu thức vô cùng nham hiểm, gây tác hại không nhỏ trong đời sống xã hội. Ở vùng MN, VSVX, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống - nơi mà trình độ dân trí so với mặt bằng chung của cả nước còn thấp, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, các thế lực phản động càng triệt để lợi dụng lợi thế không bị ngăn cách bởi không gian địa lý của MXH để chống phá.

Thủ đoạn phổ biến mà các thế lực thù địch nhắm tới người dùng MXH ở các vùng này là tung tin thất thiệt, xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước ta "vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền",  kích động tư tưởng hẹp hòi, tâm lý kỳ thị dân tộc. Bên cạnh đó, chúng còn khuyến khích, kích động di cư tự do, vượt biên trái phép… gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thế trận chống phá mà chúng bày đặt rất công phu, bài bản, tinh vi, xảo quyệt, nếu người sử dụng MXH không tỉnh táo, thì không dễ nhận rõ hư-thực, không phân biệt được phải-trái, trắng-đen.

PV: Để hạn chế những tác động xấu của MXH đối với giới trẻ ở MN, VSVX, theo đồng chí, cần phải có những giải pháp nào?

Đại tá Lưu Đức Hùng: Như tôi đã nói, sự phát triển của MXH là khách quan, nhưng tiếp nhận như thế nào là tùy thuộc vào chủ quan mỗi người. Hiện nay, trong giới trẻ ở MN, VSVX có rất nhiều bạn chưa thực sự làm chủ khi sử dụng MXH. Họ dành quá nhiều thời gian cho MXH và đăng các bức ảnh, dòng trạng thái hay bình luận những điều không phù hợp. Ngay điều này đã làm ảnh hưởng không tốt đến chế độ sinh hoạt, việc học tập và các hoạt động khác. Nguy hại hơn là không ít bạn mải mê bàn tán các câu chuyện và không ngừng tạo ra những trạng thái dị thường để lôi kéo người khác quan tâm, thậm chí có những người còn tạo ra thông tin giật gân, khác người để thu hút sự chú ý...

Để đẩy lùi, giảm thiểu tối đa tác động từ các thông tin xấu trên MXH, theo tôi, các ban ngành chức năng ở MN, VSVX cần có giải pháp đáp ứng nhu cầu thông tin, nhất là thông tin về tình hình thời sự, chính trị, xã hội, văn hóa... Khi có những thông tin xuyên tạc, bịa đặt thì cơ quan chức năng địa phương cần có định hướng kịp thời để tình trạng "nhiễu" thông tin không xảy ra. Một khi nhận diện những thông tin xấu, độc, bản thân người dùng MXH sẽ tự ý thức được việc không tham gia bình luận, không chia sẻ những thông tin đó cho người khác…

Chúng ta cũng cần làm tốt hơn nữa vai trò kết nối, hội tụ sức mạnh của các loại hình báo chí ở vùng MN, VSVX như xây dựng kế hoạch đấu tranh, tuyên truyền, tấn công và phản công lại các luận điệu xuyên tạc của các đối tượng xấu, kết hợp chặt chẽ tuyên truyền báo chí với các hình thức khác, trong đó đặc biệt quan tâm đúng mức đến tuyên truyền miệng. Đặc biệt, cần tập trung xây dựng đội ngũ những người viết có tâm huyết, có trách nhiệm, có trình độ trên lĩnh vực đấu tranh chống các quan điểm thù địch, sai trái trên MXH. Đã đến lúc, cuộc đấu tranh phòng chống "Diễn biến hòa bình" trên MXH cần có những lực lượng tiến bộ tiên phong để tập hợp, định hướng giới trẻ, đập tan âm mưu lợi dụng tâm lý thích khám phá cái mới, sự non nớt, bồng bột, thiếu kinh nghiệm của giới trẻ để lôi kéo, chuyển hóa.

PV: Với tư cách cá nhân, đồng chí có lời khuyên gì đối với lớp trẻ ở MN, VSVX khi tham gia MXH?

Đại tá Lưu Đức Hùng: Các bạn trẻ cần tránh sai lầm khi sử dụng MXH. Tôi xin nhắc lại là bản thân công nghệ thông tin nói chung, Internet nói riêng, trong đó có MXH không có gì xấu. Vấn đề là sử dụng như thế nào để đem lại những giá trị có ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta biết rằng, đặc trưng của MXH là chuyển tải thông tin, dữ liệu từ thực sang ảo, từ ảo lại về thực, không có gì tách rời.

Cho dù "ảo" đến cỡ nào, tùy tiện hay có trách nhiệm, trung thực hay giả dối, thì "cư dân" trong cộng đồng mạng đều có suy ngẫm, nhận xét, so sánh, kiểm chứng xem nên tin hay không tin. Với các bạn trẻ, sẽ là sai lầm khi cho rằng MXH chỉ là thế giới ảo, cho nên có thể nói gì, làm gì cũng được mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời mình viết lên sau bàn phím. Bởi khi các MXH, đặc biệt là Facebook, được sử dụng để truyền tải những nội dung và quan điểm lệch lạc, dễ dãi, thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, sẽ trở nên vô cùng nguy hại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

PV (Thực hiện)

Bình luận

ZALO