Biên phòng - Vì thiếu thông tin, lại quá nhẹ dạ, cả tin, thời gian gần đây, một số người đã dính “bẫy” bởi chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”. Nhiều người trong số những nạn nhân đó đã may mắn được cán bộ, chiến sĩ BĐBP giải cứu.

Cũng chỉ vì cả tin...
Ngày 8/7/2022, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Mai Văn Bảo và Trần Công Trung để điều tra về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Theo đó, sáng ngày 3/7, Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài phát hiện và bắt giữ Mai Văn Bảo, 37 tuổi và Trần Công Trung, 62 tuổi (cả hai đều trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) đang tìm cách đưa chị L.H.X.A (37 tuổi, trú tại tỉnh Đồng Nai) xuất cảnh trái phép sang Campuchia, để lấy 5 triệu đồng tiền công. Riêng chị L.H.X.A cho hay, đang được 2 đối tượng trên tìm đường đưa sang Campuchia để tìm việc làm thì bị bắt giữ...
Trước đó, chỉ trong ngày 7/7/2022, Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài cũng đã bắt giữ 2 vụ/12 đối tượng liên quan đến việc đưa đón người xuất nhập cảnh (XNC) trái phép. Trong đó, đáng chú ý là đêm 7/7, tại khu vực gần cột mốc 175/5, trên địa bàn ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài đã phát hiện 1 xe ô tô chở 3 người Việt Nam và 4 người Trung Quốc. Những người này thừa nhận đang tìm đường vượt biên sang Campuchia. Còn tài xế khai, được thuê chở số người trên từ cầu Đồng Nai đến biên giới với giá 2,5 triệu đồng...
Thời gian gần đây, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, người Việt Nam xuất cảnh trái phép để sang Campuchia tìm việc làm ngày càng tăng. Rất nhiều người trong số đó vì nhẹ dạ, cả tin nên đã trở thành nạn nhân của đường dây đưa người sang Campuchia “làm việc nhẹ, lương cao”. Theo Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh, phần lớn các đối tượng bị BĐBP bắt giữ vì nhập cảnh trái phép thời gian gần đây đều khai nhận là nạn nhân của các vụ lừa đảo, đưa sang làm việc ở Campuchia trốn về...
Qua lời kể của các nạn nhân và một số kẻ nằm trong đường dây đưa người XNC trái phép cho thấy: Thông qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook..., các đối tượng đã đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam sang Campuchia làm việc, với mức lương rất cao. Do thiếu hiểu biết, lại cả tin, nên có không ít người, nhất là thanh niên ở các vùng quê xa xôi, hẻo lánh, đã tin và nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng. Nhưng khi sang Campuchia rồi, mới vỡ mộng, bởi chiếc “bánh vẽ” việc nhẹ, lương cao là không tưởng. Không có chuyên môn, việc làm không phù hợp, nhiều người bị bỏ đói, bị đánh đập.
Muốn được trở về nước, số người này buộc phải gọi điện thoại kêu người nhà gửi tiền qua chuộc với số tiền từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng, hoặc nếu không muốn bị đánh đập thì phải lừa những người khác ở Việt Nam sang để thế thân. Để chuộc được các nạn nhân này về, có người đã phải bán nhà, bán ruộng vườn, đất đai... Đại tá Lê Hồng Vương khuyến cáo, người dân không nên nghe theo lời lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng xuất cảnh trái phép sang Campuchia tìm việc làm; không tiếp tay, giúp đỡ cho số đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép và khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép, phải thông báo cho cơ quan chức năng gần nhất.
“Bẫy” giăng ở khắp nơi
Không chỉ Tây Ninh mà những ngày gần đây, BĐBP nhiều tỉnh phía Nam liên tiếp bắt giữ các vụ đưa người XNC trái phép qua biên giới tìm việc làm. Cụ thể, lúc 6 giờ, ngày 8/7/2022, Đồn Biên phòng Sông Trăng, BĐBP Long An phối hợp với các đơn vị chức năng tạm giữ 6 đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng (quốc tịch Trung Quốc) khai nhận đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua khu vực biên giới phía Bắc. Sau khi vào thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng được đưa lên khu vực biên giới Long An, mục đích xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc cho các công ty Trung Quốc.
Báo cáo của Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, BĐBP Long An cho biết, chỉ trong 5 ngày, từ ngày 4 đến ngày 8/7, đơn vị đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ 4 vụ xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Cả 8 người bị lừa trong 4 vụ này khai nhận, quê ở các tỉnh phía Bắc, không có công ăn việc làm. Qua mạng xã hội, số người này được các đối tượng trú tại tỉnh Tây Ninh và Long An dụ dỗ sang Campuchia làm việc với mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng. Khi trên đường tìm cách xuất cảnh trái phép sang Campuchia, thì bị Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây phát hiện, bắt giữ.
Ở tuyến Tây Nguyên, cũng đã có nhiều người trở thành nạn nhân của đường dây lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”. Gần đây nhất là vụ 7 người dân tộc thiểu số (đều trú tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) được BĐBP giải cứu khỏi đường dây lừa đảo. Theo đó, cả 7 nạn nhân này đã bị đối tượng Trần Quang Quyết (sinh năm 2001, trú tại xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) đưa sang Campuchia để tìm việc làm.
Qua lời khai ban đầu cho thấy, Quyết từng là nạn nhân bị lừa sang Campuchia. Đối tượng này nghiện game và nợ số tiền khá lớn nên đi lừa người khác lấy tiền trả nợ. Giữa tháng 6/2022, Quyết đã “dụ” được 7 người nói trên xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm “việc nhẹ, lương cao” tại một công ty của người Trung Quốc. Sa bẫy lừa đảo, 7 nạn nhân phải làm việc với cường độ cao, bị đánh đập thường xuyên bằng gậy và dây điện, dọa giết hoặc bán đi nơi khác. Khi các nạn nhân muốn trở về nhà, các đối tượng yêu cầu phải trả hàng chục triệu đồng chi phí “bồi thường hợp đồng lao động”.
Đến ngày 6/7, tất cả 7 nạn nhân bị Quyết lừa sang Campuchia để làm “việc nhẹ, lương cao” đã được BĐBP giải cứu. Khi đã được giải cứu đưa về Việt Nam, cả 7 nạn nhân trên đều khai nhận: Khi sang làm việc ở Campuchia (chủ yếu làm trên các trang mạng sòng bạc online trong các casino), những người này bị chủ thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân để không thể bỏ trốn. Mỗi ngày, phải làm việc 16-18 giờ, bị chủ bóc lột sức lao động đến kiệt quệ, ăn uống thiếu thốn, tiền bạc thì không được chủ đưa, thậm chí bị đánh đập, hành hạ...
Đại tá Lê Hồng Vương cho biết, thời gian qua, BĐBP Tây Ninh tiếp nhận nhiều thông tin cầu cứu từ gia đình các nạn nhân bị lừa đưa sang Campuchia làm việc. BĐBP Tây Ninh đã nỗ lực phối hợp với các lực lượng chức năng Campuchia như Tổng cục Di trú, Tổng cục Công an và các đơn vị bảo vệ biên giới... để giải cứu các nạn nhân. “Người dân cần hết sức cảnh giác với các thông tin chào mời trên mạng xã hội về việc xuất khẩu lao động. Vì đâu dễ để có “việc nhẹ, lương cao”, có chăng chỉ là trò lừa bịp của các đối tượng trên mạng xã hội” - Đại tá Lê Hồng Vương cảnh báo.
Đăng Bảy