Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 11:04 GMT+7

Cảnh giác với chiêu trò phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Biên phòng - Lợi dụng các vấn đề về dân tộc, đặc biệt là “chia rẽ dân tộc” nhằm chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là âm mưu xuyên suốt trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Gần đây, mưu đồ này được chúng ráo riết thực hiện với dã tâm chia rẽ nội bộ và quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.

5aa62971471e3c79db000299
Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở các địa phương đang ngày càng khấm khá nhờ sản xuất phát triển. Ảnh: CTV

Sự thật không thể bóp méo

Những năm gần đây, xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch, phản động và đối tượng xấu sử dụng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là âm mưu vô cùng nham hiểm, bởi đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, được hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của Tổ quốc.

Vậy, để chia rẽ dân tộc, công phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã và đang sử dụng những chiêu thức nào? Thực tế cho thấy, để đạt được mục tiêu đen tối của mình, chúng không từ một thủ đoạn gì, từ lợi dụng các vấn đề “dân chủ", “nhân quyền” và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo, cố tình nhào nặn ra cái gọi là “bất bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam”. Chúng ra sức lu loa rằng, cộng đồng các dân tộc thiểu số là những người ít được hưởng lợi nhất từ tăng trưởng kinh tế của quốc gia và tình trạng gia tăng bất bình đẳng dân tộc tại Việt Nam đang đe dọa thành tựu phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Không dừng lại ở đó, trên các trang mạng phản động, các phương tiện truyền thông của thế lực thù địch ở nước ngoài, bọn phản động, phần tử cơ hội chính trị thường xyên nhai đi nhai lại giọng điệu cũ rích, đại ý: Vấn đề nghèo đói ở Việt Nam trong tương lai gần là vấn đề nghèo đói của người dân tộc thiểu số. Chúng còn kết luận theo kiểu “thầy bói xem voi” rằng, các cơ quan chức năng Việt Nam đang giấu giếm sự chênh lệch quá lớn về kinh tế, văn hóa và giáo dục giữa các dân tộc tại Việt Nam (!). Đặc biệt, chúng vu cáo Việt Nam thực hiện chính sách kỳ thị dân tộc, thực hiện chính sách “xua đuổi, cướp đất” của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, không cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo của mình; kỳ thị, phân biệt đối xử đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều phương diện kinh tế, văn hóa,  giáo dục, y tế...

Từ những gì mà các thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn và cơ hội chính trị thường rêu rao về “bất bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam” đã cho thấy, chúng cố tình lờ đi một sự thật không thể bóp méo là trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc ban hành và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình, dự án nhằm bảo đảm thực hiện quyền lợi của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước quán triệt, thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc, đây là nguyên tắc nhất quán. Mọi công dân, không phân biệt về giới tính nam - nữ, dân tộc, văn hóa, nghề nghiệp, nơi cư trú... đều được hưởng giá trị như nhau và đóng góp như nhau cho sự phát triển của đất nước. Trên thực tế, nguyên tắc này đã trở thành một trong những nhân tố rất quan trọng bảo đảm cho xã hội Việt Nam luôn ổn định và phát triển.

Ngược dòng lịch sử, cách đây 72 năm, ngày 3-5-1946, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, dù còn rất non trẻ nhưng đã quyết định thành lập Nha Dân tộc thiểu số thuộc Bộ Nội vụ, cơ quan tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Sau khi Cơ quan công tác dân tộc được thành lập không lâu, Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng đã chỉ rõ, các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc. Tháng 8-1952, Bộ Chính trị có Nghị quyết về “Chính sách dân tộc thiểu số của Đảng hiện nay”. Sau đó, ngày 22-6-1953, Chính phủ ban hành chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam, trong đó khẳng định đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến, kiến quốc, giúp nhau tiến bộ về mọi mặt.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH bổ sung, phát triển năm 2011 khẳng định, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung”, đồng thời nhấn mạnh: Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

“Dù ai nói ngả nói nghiêng...”

Trên thực tế, các dân tộc ở Việt Nam có tỷ lệ số dân không đều nhau, song từ trước đến nay, các dân tộc luôn coi nhau như anh em ruột thịt trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, không có tình trạng dân tộc đa số cưỡng bức, đồng hóa, thôn tính các dân tộc thiểu số, không có tình trạng các dân tộc thiểu số chống lại dân tộc đa số. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam đã được thể hiện trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhất là từ khi công cuộc đổi mới được Đảng ta lãnh đạo thực hiện. Cho đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm thực hiện quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả là đa số đồng bào dân tộc thiểu số đã được bảo đảm những quyền lợi cơ bản, như thoát nghèo và được cải thiện đời sống; được tiếp cận khá thuận lợi với các nguồn lực sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, được tiếp cận với giáo dục, đào tạo và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại xã và một phần tại ngay thôn, bản, buôn, ấp; được trợ giúp pháp lý; được tham gia vào đời sống văn hóa...

Tuy nhiên, trước những thách thức mới của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN,... tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót trong việc bảo đảm thực hiện chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Trước thực trạng này, Đảng, Nhà nước ta xác định cần phải nhanh chóng khắc phục những mặt bất cập, giải quyết tốt những vấn đề mới nảy sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc và các vùng miền.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số cần vững vàng trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Trước thực tế các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ráo riết, tìm mọi cách chia rẽ nội bộ và quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng thì mỗi người dân Việt Nam chỉ có thể chiến thắng bằng chính niềm tin không có gì lay chuyển được.

Nguyễn Đình Hùng

Bình luận

ZALO