Biên phòng - Hiện tại, Việt Nam có lượng lao động ở nước ngoài rất đông đảo đóng góp kinh tế rất đáng kể cho đất nước. Khi sống xa gia đình, đất nước họ đều có mong muốn kiếm thêm nhiều việc làm để tăng thu nhập, hàng tháng họ thường chuyển tiền về cho thân nhân ở Việt Nam qua các trung gian chuyển tiền và thường liên lạc với người thân trong nước qua mạng xã hội Facebook. Nắm bắt được các thói quen của người xuất khẩu lao động bọn lừa đảo đặt ra nhiều cạm bẩy để dễ dàng chiếm đoạt tài sản của họ cũng như thân nhân của họ trong nước.

Mục đích đầu tiên bọn lừa đảo hướng tới là đánh cắp được tài khoản facebook của những người đang xuất khẩu nước ngoài. Bằng cách dò những mật khẩu đơn giản đặt theo ngày tháng năm sinh, số điện thoại, hoặc mật khẩu dễ đoán 123456. Hoặc bằng cách phức tạp hơn các đối tượng lừa đảo lập các trang tin tuyển dụng việc làm thêm và tương tác với mục tiêu qua facebook. Khi nhận mình là nhà tuyển dụng công việc làm thêm gửi cho mục tiêu đường dẫn để mô tả công việc. Mục tiêu mở đường dẫn để xem ở mục này có yêu cầu đăng nhập mật khẩu và tên tài khoản facebook để xem nội dung, người dùng không để ý dễ dàng cung cấp tài khoản, mật khẩu facebook.
Sau khi có được thông tin tài khoản, mật khẩu bọn lừa đảo sẽ đăng nhập vào để đọc các nội dung tin nhắn, tìm hiểu quan hệ của người xuất khẩu lao động nước ngoài với thân nhân trong nước. Chọn lọc những người thân thường xuyên nhận tiền hộ hoặc những mối quan hệ thân quen để làm mục tiêu tiếp theo.
Để tiếp cận với mục tiêu tiếp theo chúng nghiên cứu rất kỹ nội dung tin nhắn, cách nói chuyện với người thân trong nước. Bọn lừa đảo nhập vai là người lao động ở nước ngoài nói chuyện với người thân trong nước đang có việc gấp có anh bạn đang cần chuyển tiền về nước mà chưa có lương, hoặc người nhà của anh bạn đang ở Việt Nam đang cấp cứu tại bệnh viện cần tiền để thanh toán viện phí. Số tiền chúng đưa ra khoản từ 30-50 triệu đồng. Nên muốn người nhà chuyển tiền giúp vào số tài khoản ngân hàng mà chúng đã chuẩn bị sẵn.
Với người nhà trong nước khi nói chuyện qua tin nhắn dạng nhập vai như thế này ít có nghi ngờ. Hơn nữa người xuất khẩu lao động hàng tháng vẫn chuyển tiền về Việt Nam nhờ người thân trong nước giao dịch hộ nên lại càng tin tưởng, dễ dàng chuyển tiền vào tài khoản theo ý muốn của bọn lừa đảo.
Sau khi nhận được tiền chúng sẽ chuyển tiền lòng vòng qua cái tài khoản ngân hàng khác và thuê lại một số đối tượng đi rút tiền thuê tại các cây ATM. Chúng sẵn sàng cắt lại 20-30% số tiền rút được cho các đối tượng chúng thuê rút hoặc sử dụng các trung gian thanh toán điện tử để rửa tiền. Số tiền các đối tượng lừa đảo được rất lớn lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng khi xem sao kê tài khoản nhận tiền mà nạn nhân chuyển tiền vào.
Việc điều tra một vụ án lừa đảo dạng này rất khó khăn, nên việc tuyên truyền qua truyền thông để phòng ngừa rất quan trọng. Với người xuất khẩu lao động ở nước ngoài và thân nhân trong nước nên đề cao cảnh giác, với người xuất khẩu lao động sử dụng facebook nên đặt mật khẩu có độ phức tạp hơn, cài đặt xác minh hai bước khi đăng nhập là cần thiết. Khi đăng nhập vào một số đường dẫn thận trọng cung cấp tài khoản và mật khẩu.
Đối với thân nhân trong nước khi có một yêu cầu chuyển tiền nào đấy phải xác minh thêm bằng cách liên lạc gọi thoại có video để người nước ngoài xác thực thông tin, bọn lừa đảo cũng đã có những thủ đoạn cho kịch bản này chúng thường lấy lý do đang ở công trường, những nơi không tiện gọi thoại. Nhưng là giao dịch chuyển tiền quan trọng nên thân nhân trong nước phải cân nhắc và phải xác thực được nội dung có phải yêu cầu của chính người thân của mình hay không mới thực hiện chuyển khoản.
Sỹ Quang