Biên phòng - Nói là cánh đồng nhưng thực ra chỉ khoảng 4.000m2 đất chuyển đổi từ cây lúa nương sang trồng lúa nước. Với nhà nông “chính hiệu” thì việc chuyển đổi như thế là cực kỳ đơn giản. Song, đối với hộ gia đình nghèo như ông A Liên, ở thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum thì đó là quá trình thay đổi từ không đến có. Trong vòng tay dìu dắt của những người lính Đồn Biên phòng (BP) Sa Loong, BĐBP Kon Tum, năng suất lúa nhà A Liên giờ đây đã tăng lên gấp 6 lần. Được chứng kiến niềm vui của cả người trao và người nhận, chúng tôi gọi đó là “cánh đồng mơ ước”…

Trăn trở gỡ khó
Nói về ông A Liên (60 tuổi, dân tộc Xê Đăng) thì cả thôn Giang Lố 1 ai cũng biết đó là hộ gia đình đông con mà thiếu nhân lực lao động và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mặc dù vậy cả 5 đứa con của A Liên đều được đi học, trong đó, có 2 đứa học hết lớp 12. Có được điều kỳ diệu này là nhờ sự đồng hành của những người lính Đồn BP Sa Loong.
Hơn 5 năm về trước, để chung tay góp sức giúp gia đình ông A Liên xóa đói, giảm nghèo bền vững, Đồn BP Sa Loong một mặt nhận đỡ đầu đứa con út là cháu A Lao trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, mặt khác hỗ trợ nguồn giống heo rừng lai, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ cặp heo, cùng hàng trăm cây bời lời giống và nhiều ngày công lao động đến từ người lính, kinh tế gia đình A Liên bắt đầu có những bước “chuyển mình” tích cực, ít nhất là tránh được tình trạng thiếu ăn vào thời điểm giáp hạt. Mặc dù vậy, cái nghèo vẫn chưa chịu “buông tha” người đàn ông này khi gánh nặng ăn - học của các con đang ngày một lớn hơn.
Cần phải có sự thay đổi mang tính đột phá đối với hộ gia đình này để làm mô hình cho bà con người dân tộc thiểu số ở thôn Giang Lố 1 nói riêng, xã Sa Loong nói chung học tập - đó là trăn trở khôn nguôi của những người lính Đồn BP Sa Loong. Bởi, hiện tại vẫn còn tới 15% trong tổng số 1.425 hộ gia đình trong xã đang “chạm ngưỡng” nghèo và cận nghèo, chủ yếu rơi vào hộ đồng bào dân tộc Xê Đăng và Ca Dong.
“Sau nhiều lần nghiên cứu khảo sát, chúng tôi quyết định lựa chọn giải pháp chuyển đổi cây trồng cho hộ gia đình ông A Liên, mặc dù biết đây là bài toán khó vì khả năng canh tác của bà con vẫn còn nhiều hạn chế...” - Trung tá, Đồn trưởng Phan Trọng Bình chia sẻ với chúng tôi như thế khi lần đầu tiên “xắn quần lội ruộng” miệng nói tay làm với gia đình A Liên.
“Vạn sự khởi đầu nan”, khi trời Tây Nguyên bắt đầu chuyển mưa (tháng 5-2021) những người lính BP khởi động mô hình bằng việc lựa chọn giống lúa, cày đất, san bằng, khử phèn để ngay khi có nước về là tiến hành gieo trồng bảo đảm thời vụ. Mỗi công đoạn là một bài học, không chỉ dành riêng cho các thành viên trong gia đình mà còn mời gọi bà con trong thôn đến tham quan học tập. Khu đất phía sau nhà A Liên lúc này trở thành “giảng đường” để các chủ nhân vùng biên giới từng bước tiếp cận các công đoạn kỹ thuật canh tác lúa nước mới nhất. Loại giống lúa được Đồn BP Sa Loong lựa chọn là “Đài thơm 8”, hiện đang được gieo trồng chủ lực tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên nhưng còn rất lạ lẫm trên đất làng, với năng suất bình quân giao động từ 6,5-7 tấn/ha (thâm canh tốt đạt 8-9 tấn/ha), thời gian sinh trưởng khoảng 4 tháng. Vốn đầu tư ban đầu cho 4 sào đất nhà A Liên vào khoảng 7 triệu đồng, kinh phí do đồn BP hỗ trợ bằng hình thức cho mượn.
Để bảo đảm tính hiệu quả của mô hình, Ban Chỉ huy đồn phân công Trung tá Phạm Văn Minh, Chính trị viên trực tiếp chỉ đạo đội công tác địa bàn thay phiên nhau bám đồng liên tục trong 4 tháng ròng rã, kịp thời xử lý các yếu tố xâm hại đến cây lúa. Nên nhớ đây cũng chính là thời điểm lực lượng BĐBP căng mình thực hiện nhiệm vụ kép, đặt ưu tiên phòng chống đại dịch Covid-19 lên hàng đầu, nên việc thay phiên bám đồng không phải chuyện đơn giản. Cũng đã có một số “trục trặc” nhỏ, bởi ngay cả người lính cũng phải vừa học vừa làm, song cuối cùng nụ cười cũng đã nở trên môi của cả người trao lẫn người nhận. Trong ngày thu hoạch, ông A Liên đã phải ngỡ ngàng thốt lên: “Mình không nghĩ lại thu được nhiều lúa như vậy, hơn 60 bao (mỗi bao khoảng 50kg- PV). Cũng mảnh đất này, trước đây năm nào nhà mình làm nhiều nhất cũng chỉ được 10 bao mà thôi...”.
Và ước mơ sẽ có nhiều “cánh đồng mơ ước”
Cũng giống như một công trình xây dựng, khi khánh thành mỹ mãn, người thợ sẽ nở nụ cười thật tươi khi trút được gánh nặng, còn tâm trạng của kiến trúc sư thì thăng hoa bội phần. Trên “cánh đồng mơ ước” sau niềm hân hoan được mùa, những “chàng kiến trúc sư” khoác trên mình bộ quân phục BP đã ngay lập tức nghĩ đến những cánh đồng lúa nước thẳng cánh cò bay trên đất rừng biên giới Sa Loong.
Triển vọng này là hoàn toàn khả thi, bởi nguồn quỹ đất, quỹ nước trên địa bàn là rất lớn. Và, đặc biệt hiệu quả từ “cánh đồng mơ ước” của nhà A Liên đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Xê Đăng, Ca Dong trong làng, trong xã. Ai cũng khen A Liên làm giỏi và cảm nhận sâu sắc tình yêu thương, năng lực, trách nhiệm của những người lính BP. Những yếu tố này hứa hẹn sẽ nhanh chóng hiện thực hóa ước mơ của người lính là biến những triền lúa nương 1 vụ năng suất thấp trên đất Sa Loong thành cánh đồng lúa nước thẳng cánh cò bay.
Ông A Sô Đáo, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Giang Lố 1 vui vẻ cho chúng tôi biết: “Với năng suất lên đến gần 8 tạ/sào của nhà A Liên, chắc chắn đó là con số trong mơ của tất cả người dân, kể cả bà con người Kinh trong thôn trong xã. Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp của Đồn BP Sa Loong, họ xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, vững chắc nhất của nhân dân trên con đường thoát nghèo vươn lên. Từ mô hình này, mình sẽ tiếp tục phối hợp với đồn BP tuyên truyền, hướng dẫn để nhân rộng ra địa bàn, giúp bà con giảm nghèo bền vững hơn...”.
Đồng hành với mô hình nuôi heo lai rừng, kết hợp chuyển đổi cây lúa nước ở hộ gia đình ông A Liên, trong thời gian qua, Đồn BP Sa Loong liên tục hỗ trợ nguồn cây, con giống và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người nghèo trên địa bàn như hộ gia đình ông A Móc (dân tộc Ca Dong) ở thôn Đắk Vang, bà Nguyễn Thị Thường, ông Đinh Văn Thương (dân tộc Mường) ở thôn Cao Sơn. Cùng với đó là những chương trình, mô hình đầy tính nhân văn mà toàn lực lượng BĐBP đã và đang triển khai hiệu quả như mô hình “Con nuôi đồn BP”, “tay kéo BP”, Chương trình “Nâng bước em tới trường”,... đã làm tươi hơn nụ cười cho người dân vùng biên giới. Có thể nói, cách làm của người lính BP trên vùng ngã ba Đông Dương có quy mô không lớn, nó tựa như những hạt mưa tý tách rơi, lâu ngày sẽ thấm vào lòng đất để ươm mần cho những ước mơ lớn hơn, đó chính là biến vùng đất Sa Loong cằn khô thành những “cánh đồng mơ ước”.
Thái Kim Nga