Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Cánh đồng Cù Bai mùa lúa chín

Biên phòng - “Nhất định các con phải ăn thử bát cơm mới để cảm nhận được hương vị đặc biệt của hạt gạo Cù Bai. Không chỉ thơm, mềm, ngọt vì lúa vừa gặt mà hơn cả là nó rất đậm đà bởi tình quân dân nơi biên giới” - Đó là lời của già làng Hồ Xừn (thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) khi đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa nước đang vào những ngày gặt.

Cánh đồng Cù Bai bước vào ngày thu hoạch. Ảnh: Mạnh Hùng

Cả xã Hướng Lập có 124ha lúa nước thì riêng thôn Cù Bai đã “đóng góp” 60ha. Đây cũng là nơi đầu tiên cây lúa nước được những người lính Công an nhân dân vũ trang Đồn 235 (nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị) đưa từ đồng bằng lên rẻo cao biên giới, mở ra thời kỳ mới về cây lương thực, giúp đồng bào Vân Kiều không còn bị cái đói đeo bám. Khi ấy, quân và dân Cù Bai một tay cầm súng chiến đấu, một tay cày cấy và tiếp lương, tải đạn cho bộ đội vào chiến trường miền Nam.

Hòa bình lập lại, diện tích lúa nước ngày càng được mở rộng. Hệ thống tưới tiêu cho ruộng được đầu tư bằng việc xây kênh mương, dẫn nước bằng ống thép để không bị cuốn trôi mỗi khi lũ về. Từ 1 vụ đến 2 vụ mỗi năm, năng suất năm sau cao hơn năm trước. Cứ thế, cây lúa nước đã hồi sinh “tọa độ lửa” Cù Bai, củng cố thêm niềm tin của đồng bào Vân Kiều với Đảng, Bác Hồ và BĐBP.

Năm 2020, những đợt lũ lịch sử liên tiếp đổ về khiến một nửa diện tích ruộng nước của Cù Bai bị vùi lấp. Người dân đã chủ động thuê máy xúc, máy ủi để “cứu ruộng”, kịp gieo hạt đúng thời vụ. Diện tích bị thu hẹp nhưng cánh đồng được “bù đắp” bằng lượng phù sa đáng kể, bởi vậy mà vụ lúa năm nay, bông nào bông ấy trĩu nặng với hạt thóc mẩy, căng tròn. Có một điều đặc biệt là người Vân Kiều ở Cù Bai không sử dụng phân bón khi canh tác, cây lúa đơm hoa kết hạt bằng duy nhất phù sa từ dòng sông biên giới Sê Băng Hiêng.

Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập căng mình trên chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, thế nhưng đơn vị vẫn cắt cử người tham gia gặt lúa giúp dân. Trên cánh đồng Cù Bai, chúng tôi đã gặp Trung úy Phùng Hải Trường, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cù Bai; Trung tá Nguyễn Hữu Thâm, nhân viên Đội Vận động quần chúng; Thượng tá Nguyễn Phú, nhân viên Đội Kiểm soát hành chính...

Đặc biệt, tại đây, có Thiếu tá Phan Thị Liên, nhân viên Đội Tham mưu - Hành chính. Nhìn “o bộ đội” không ngại nắng như đổ lửa, mặc quân phục rằn ri, đội mũ cối ra đồng gặt lúa lại liên tưởng tới bà Hồ Thị Oi, nguyên Chủ tịch UBND xã Hướng Lập - người phụ nữ Vân Kiều đầy bản lĩnh cùng với người lính Công an nhân dân vũ trang kiên trì đưa cây lúa nước về với người Vân Kiều.

Thiếu tá Phạm Quang Lưu, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ là cán bộ của Học viện Biên phòng đi thực tế tại cơ sở. Từ ngày nhận công tác ở Hướng Lập, mùa gieo hạt hay gặt lúa ở Cù Bai, Thiếu tá Lưu đều có mặt. Vụ mùa năm nay, cán bộ, chiến sĩ phải tăng cường trực chốt trên biên giới, quân số đi giúp dân không nhiều như mọi năm, Thiếu tá Lưu không ngại ngần xuống ruộng gặt lúa như bao người khác. Nhìn nước da của “thầy giáo Thủ đô” đỏ au vì nắng, đồng bào lại càng thương hơn.

Thực ra, ngày mùa ở Cù Bai năm nay thiếu một “sắc màu”, đó là những người anh em các bản Lào phía đối diện. Nói về những người anh em bên kia biên giới, cụ Hồ Xừn cho biết: “Bà con quốc tịch Lào nhưng cũng là người Vân Kiều mình cả. Trong chiến tranh, cùng ở với nhau, cùng giúp bộ đội đánh giặc. Sau hoạch định biên giới, họ ở lại, mang quốc tịch Lào chứ vẫn nói tiếng và giữ phong tục Vân Kiều mình”. Bao năm nay, dù ở Lào hay ở Việt Nam thì mọi người vẫn luôn giúp đỡ nhau. Trước đây, lúc khó khăn, người dân các bản Cheng Túp, Tà Rủa (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) vẫn mang gùi sang Cù Bai nhờ họ hàng giúp đỡ gạo, muối. Người dân nếu nhận được hàng hỗ trợ của mạnh thường quân cũng đều gửi một phần cho anh em bên Lào. Vào ngày gieo hạt hay thu hoạch, hai bên “đổi công” giúp nhau.

Thiếu tá Phan Thị Liên tham gia giúp dân bản Cù Bai gặt lúa. Ảnh: Mạnh Hùng

Dịch Covid-19 bùng phát, hơn 1 năm nay, Chính phủ Lào dừng xuất, nhập cảnh phổ thông. Điều đó cũng có nghĩa những người Lào và người Việt ở các bản giáp biên không thể qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa. Các bản Lào cách trung tâm huyện Sê Pôn cả mấy ngày đường rừng nên giờ không sang được Việt Nam mua bán thì cuộc sống chắc chắn rất khó khăn. Người dân vẫn mong Nhà nước cho người dân được mang hàng hóa tới cột mốc để trao đổi, có BĐBP, chính quyền địa phương giám sát, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Người dân Lào khó khăn, vất vả, người dân cũng không yên lòng.

Gia đình ông Lê Đình Hoan là hộ người Kinh duy nhất ở thôn Cù Bai. Ông Hoan đã ngoài 60 tuổi, nguyên là giáo viên vũ thuật của Công an nhân dân vũ trang tỉnh Bình Trị Thiên. Tính cách phóng khoáng, ông Hoan xin phục viên sớm và chọn mảnh đất biên giới Cù Bai làm nơi an cư. Sống ở đây lâu nên ông Hoan được ví như “cuốn từ điển” của Cù Bai. Ai, cái gì, khi nào, chỗ nào ở Cù Bai, ông đều nắm rất rõ. Vì từng mang trên mình bộ quân phục mang quân hàm xanh nên ông Hoan luôn dành tình cảm đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập.

Việc gì của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cù Bai có thể giúp, ông chưa khi nào nề hà. Đồn Biên phòng Hướng Lập duy trì 3 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, ông ghé thăm động viên anh em cả 3 nơi. Lúc thì mang con cá, bó rau cho bộ đội hoặc “có việc gì thì giúp, chả giúp được gì thì đến nói chuyện cho anh em bộ đội đỡ buồn”. Bởi vậy mà hôm vừa rồi, khi thấy lúa nhà ông Hoan đã chín, những người lính Biên phòng “mỗi người một tay” gặt và mang về tận sân nhà cho người cựu binh.

Tháng 6, nắng như dát thêm vàng lên những vạt lúa trên cánh đồng Cù Bai. Sau bao ngày tháng chắt chiu, cố gắng, người Vân Kiều ở Cù Bai đã nhận về những bông lúa trĩu hạt và đượm tình quân dân nơi biên giới.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO