Biên phòng - Ngày 14-12-1971, Khoa Biên phòng của Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (Học viện Biên phòng ngày nay) được thành lập, theo Quyết định số 42/QĐ của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Từ đó, ngày 14-12 hằng năm được lấy làm Ngày Truyền thống của khoa. Sự kiện đó đánh dấu bước phát triển vô cùng quan trọng trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho BĐBP nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Đi đầu trong công tác giáo dục, đào tạo
Trải qua 47 năm kể từ ngày thành lập, Khoa Biên phòng không ngừng được xây dựng, phát triển và trưởng thành. Từ lúc ban đầu chỉ tham gia giảng dạy, huấn luyện cho các đối tượng đào tạo sĩ quan của Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, đến nay, Khoa Biên phòng đã tham mưu việc xây dựng chương trình, nội dung và tham gia giảng dạy cho hầu hết các đối tượng đào tạo ở Học viện Biên phòng, từ Cao đẳng Biên phòng, Đại học Biên phòng, Thạc sĩ Biên phòng (bắt đầu từ năm 2000) đến Tiến sĩ Quân sự chuyên ngành Quản lý biên giới và cửa khẩu (bắt đầu từ năm 2010).
Ngoài ra, khoa còn tham mưu xây dựng chương trình, nội dung và trực tiếp giảng dạy các khóa đào tạo cán bộ theo chức vụ, như: Chỉ huy đồn Biên phòng, Chỉ huy Biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, thành phố; đào tạo liên kết, liên thông trình độ đại học cho Bộ Công an và đào tạo học viên quốc tế Lào, Cam-pu-chia... Mỗi năm, Học viện có hàng nghìn học viên của các lớp, các khóa tốt nghiệp ra trường. Riêng đào tạo Thạc sĩ Biên phòng, từ năm 2000 đến nay, có 420 đồng chí, trong đó, chuyên ngành Quản lý biên giới do khoa tham gia đào tạo có 247 đồng chí. Các học viên khi về đơn vị công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, huấn luyện, cán bộ, giảng viên của Khoa Biên phòng còn tích cực tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu, nghiên cứu khoa học và hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Trong những năm qua, Khoa Biên phòng đã tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, trong đó: 1 đề tài cấp Nhà nước; 2 đề tài nhánh cấp Nhà nước, 7 đề tài cấp Bộ; 19 đề tài cấp ngành; 34 đề tài cấp cơ sở.
Nhiều đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, đã và đang ứng dụng trong thực tiễn công tác, chiến đấu của BĐBP trên các tuyến biên giới. Hệ thống giáo trình, tài liệu sử dụng cho các đối tượng đào tạo được Khoa Biên phòng nghiên cứu biên soạn cơ bản đầy đủ, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Nhiều sáng kiến cải tiến mô hình học cụ, sa bàn, phim huấn luyện được khoa xây dựng và đưa vào phục vụ giảng dạy, giúp học viên đào tạo dễ hình dung và tiếp thu để áp dụng vào công tác.
Nhiều giảng viên trước đây hiện là lãnh đạo chủ chốt
Nhiều thế hệ giảng viên trước đây của Khoa Biên phòng đã phát triển lên các cương vị chỉ huy, quản lý các cấp trong lực lượng BĐBP, như: Trung tướng, PGS. TS Hoàng Xuân?Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP; Trung tướng, Tiến sĩ Tăng Huệ, nguyên Tư lệnh BĐBP; Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP; Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP; Đại tá Nguyễn Thành Lũy, cố Hiệu trưởng Trường Đại học Biên phòng; Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Tịnh, nguyên Giám đốc Học viện Biên phòng... Nhiều đồng chí khác đã, đang giữ chức vụ Chỉ huy trưởng BĐBP ở một số tỉnh, thành phố.
Với những thành tích đạt được trong 47 năm qua, tập thể Khoa Biên phòng đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý; trong đó có 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 1 Bằng khen của Chính phủ cùng nhiều bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tư lệnh BĐBP... Hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên của khoa được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh BĐBP và Học viện Biên phòng khen thưởng. Cấp ủy, Chi bộ Khoa Biên phòng nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh.
Có được những thành tích trên, ngoài sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ tập thể cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, giảng viên trong khoa, còn có sự động viên, giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm của các thế hệ giảng viên đi trước, nhất là các giảng viên đầu đàn, lão thành và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường qua các thời kỳ.
Hiện, Khoa Biên phòng có 5 bộ môn, gồm: Lý luận chung về biên giới quốc gia và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; vận động quần chúng bảo vệ biên giới; đối ngoại Biên phòng; chỉ huy tham mưu bảo vệ biên giới; tổ chức chỉ huy bảo vệ biên giới. Đội ngũ giảng viên của Khoa Biên phòng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, khoa được biên chế 35 đồng chí; trong đó có: 1 Phó giáo sư, 5 Tiến sĩ, 25 Thạc sĩ... 100% cán bộ, giảng viên của khoa đã qua thực tế ở các đơn vị BĐBP.
Vân Hoàng