Biên phòng - Tuy mới du nhập vào các tỉnh Tây Bắc từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng đạo Tin lành với hình thức hoạt động mềm dẻo, giáo lý và lễ nghi được đơn giản hóa, quần chúng hóa đã nhanh chóng cuốn hút một số lượng lớn tín đồ là đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh nhiều vùng dân tộc, miền núi đang phải đối mặt với những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới tỉnh Điện Biên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, do ảnh hưởng của đạo Tin lành đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm.
Bài 1: Nhận diện xung đột mới trong văn hóa cộng đồng
Với đặc thù đại đa số người theo đạo Tin lành ở Điện Biên là đồng bào dân tộc Mông, các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng việc truyền đạo để tuyên truyền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc đã gây ra những xáo trộn tiêu cực trong cuộc sống của người theo đạo và không theo đạo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Chúng tôi đến xã biên giới Nậm Kè (huyện Mường Nhé), một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông theo đạo Tin lành cao nhất tỉnh Điện Biên. Xã có 510 hộ dân tộc Mông sinh sống nhưng có tới 380 hộ theo đạo với 3.156 tín đồ, sinh hoạt tại 12 điểm nhóm. Theo con đường mới mở vào các bản Huổi Khon 1, 2, dễ dàng nhận ra các hộ người Mông theo đạo. Thay vì bàn thờ, bát hương như phong tục truyền thống là ảnh Chúa, cây thánh giá được đặt ở những vị trí trang trọng. Vùng đất một thời là “miền đất hứa” của dòng người di cư tự do, 6 năm trước chính là điểm nóng về an ninh chính trị khi các đối tượng phản động kích động hàng nghìn người theo đạo Tin lành tụ tập về Huổi Khon với ý định để “đón vua”, “xưng vua” và thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông” vào tháng 5-2011.
Thức tỉnh sau u mê, bà con theo đạo Tin lành ở Huổi Khon hiện giờ đã ổn định cuộc sống. Các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có đồng bào theo đạo đã và đang phát huy hiệu quả. Các hộ dân đều được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo. Hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện lưới, trường học, trạm y tế... phủ khắp các thôn, bản, tạo ra diện mạo mới cho vùng cao Nậm Kè, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Đồng bào theo đạo Tin lành chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo nền nếp, không xảy ra các vụ việc, hiện tượng liên quan đến trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, sự phát triển mau chóng của đạo Tin lành và những ảnh hưởng của nó tới đời sống chính trị xã hội, tâm lý, lối sống, phong tục tập quán... đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm đối với vùng cao biên giới. Theo ông Hù Văn Đào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Kè, đạo Tin lành mới du nhập vào Nậm Kè từ năm 1990 theo những người di cư tự do từ nơi khác đến nhưng có bước phát triển đột biến trong đồng bào Mông.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Đào cho rằng, phần lớn người dân tìm đến và chấp nhận theo đạo Tin lành bởi đời sống còn nhiều khó khăn (tỷ lệ hộ đói nghèo trên địa bàn xã trên 50%) với hy vọng sẽ tìm ra “con đường mới” cho cuộc sống của họ. Mặt khác, thiếu thông tin và nhận thức hạn chế cũng là nguyên nhân chính dẫn tới một bộ phận đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa dễ tin, nghe theo những người truyền đạo trái pháp luật. Qua khảo sát, 70% đồng bào theo đạo ở Nậm Kè biết đến đạo Tin lành thông qua các chương trình phát thanh bằng tiếng Mông. Đài FEBC với nhiều nội dung đề cập đến lịch sử, văn hóa dân tộc Mông là một kênh truyền đạo hữu hiệu vào cộng đồng, mặc dù nhiều người không hề thấy hình ảnh của Chúa Giê-su hay một quyển kinh thánh.
Dù nhiều nơi đồng bào theo đạo bằng cảm tính, thậm chí bằng những khuyến khích vật chất, nhưng cùng với thời gian, đạo Tin lành đã trở thành thực thể tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người cho biết, giáo lý của đạo Tin lành đề cao việc xóa bỏ những hủ tục trong ma chay, cưới xin; thực hiện hôn nhân một vợ một chồng; không uống rượu, không hút thuốc..., nên nhanh chóng được số đông đồng bào ủng hộ và theo đạo để giảm bớt hủ tục, cũng là để giảm bớt khó khăn cho cuộc sống. “Khi có người chết, các tín đồ tổ chức mai táng trong thời gian 24 giờ thay vì kéo dài 3 - 4 ngày, gia chủ phải mổ trâu, lợn làm cỗ rất tốn kém như trước đây. Đám cưới cũng được người theo đạo tổ chức các nghi lễ theo hướng đơn giản, tiết kiệm...” - Trưởng bản Huổi Khon 1 Sùng A Kỷ chia sẻ.
Đưa tôi đến ngôi nhà nguyện trong bản, ông Kỷ cho biết thêm: “Sinh hoạt tôn giáo đã thu hút được giới trẻ và phụ nữ. Họ có nhiều cơ hội tham gia các công việc trong cộng đồng và thể hiện mình hơn. Sáng Chủ nhật hằng tuần, các tín đồ có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ với nhau về những vấn đề trong cuộc sống. Họ cũng được thưởng thức và tham dự hát những bài thánh ca, hay những hoạt động văn hóa, văn nghệ. Những điều đó làm cuộc sống của họ vui tươi, nhẹ nhõm hơn”.
Chính sự khác biệt về văn hóa mang màu sắc tôn giáo với văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc đã nảy sinh xung đột văn hóa ngay trong từng bản, từng gia đình khi bản sắc văn hóa dân tộc bị giao thoa, xâm lăng hoặc mai một nghiêm trọng. Không khó để nhận ra xung đột văn hóa giữa người theo đạo và không theo đạo.
Đạo Tin lành là một tôn giáo độc thần, coi “Chúa trời” là duy nhất, là nguồn gốc của mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới, luôn giữ thái độ cực đoan về đức tin nên đã phủ nhận một cách sạch trơn đối với tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi tín ngưỡng truyền thống của người Mông theo đa thần. Họ tin vạn vật có linh hồn, có các vị thần hỗ trợ. Vì vậy, họ thường tiến hành nhiều nghi lễ, thủ tục để thờ cúng xua đuổi tà ma, cầu xin thần linh che chở, bảo vệ nhà cửa, bảo vệ sức khỏe cho gia đình, họ hàng, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...
“Những người Mông theo đạo từ bỏ hầu hết những sinh hoạt tôn giáo truyền thống, kể cả việc thờ cúng ông bà, tổ tiên. Các sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán truyền thống như: Lễ hội, âm nhạc, dân ca, dân vũ, nghi lễ tang ma, cưới hỏi, làm lý khi có việc quan trọng... không còn tồn tại trong tâm thức người Mông theo đạo Tin lành và dần được thay thế bằng văn hóa theo các giáo lý tôn giáo. Với người không theo đạo thì hành động này là không thể chấp nhận được” - Ông Giàng A Hờ, ở bản Huổi Khon 1 trăn trở.
Theo ông Kỷ, trong bản có sự phân định giữa hai cộng đồng người theo đạo và không theo đạo, ngay cả sự quan tâm, giúp đỡ, tương thân tương ái trong cộng đồng cũng hạn chế dần. Tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa người theo đạo và không theo đạo đang diễn biến phức tạp. Bởi khi theo đạo Tin lành, quan hệ giữa các thành viên của dòng họ có chung huyết thống có những thay đổi rõ rệt. Vị trí, vai trò của dòng họ bị hạn chế, nhất là vai trò của trưởng họ, tầm ảnh hưởng và quyền lực của trưởng họ bị phai nhạt dần, không còn chi phối đời sống của cộng đồng dòng họ khi những người theo đạo thay thế họ bằng trưởng nhóm.
Trung tá Khuất Anh Tuấn, Chính trị viên phó Đồn BP Nậm Kè cho biết: “Thực tế tại nhiều dòng họ ở Nậm Kè, người theo đạo không nghe theo sự chỉ dẫn, yêu cầu của dòng họ trong cách thức tổ chức các nghi lễ truyền thống. Những vấn đề trên mâu thuẫn với đời sống, đạo lý, văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, dẫn đến sự phá vỡ các qui tắc ứng xử. Bất đồng diễn ra trong từng gia đình, từng dòng họ, có lúc trở nên gay gắt khi người dân và tín đồ bài xích lẫn nhau, thậm chí xảy ra xung đột buộc chính quyền phải can thiệp”.
Bài 2: Phòng chống “Diễn biến hòa bình” lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc
Long Ngũ