Biên phòng - Tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê tạo ra nhiều hệ lụy ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng. Cuộc sống nơi đất khách quê người muôn vàn khó khăn, phức tạp, không như mong đợi, người lao động thường bị lừa, bị cướp tiền, có trường hợp còn trả giá bằng cả mạng sống.
Tại xã Ngọc Chung, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng những ngày này nhiều lao động chính trong các gia đình hầu như đều vắng mặt. Họ đi làm ăn xa hoặc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống. Cụ thể, đến tháng 6-2017, trên địa bàn 3 xã có 100 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, trong đó, còn 12 người hiện đang bị phía Trung Quốc giam giữ.
Thượng tá Trương Văn Lai, Phó Trưởng phòng Trinh sát, BĐBP Cao Bằng cho biết: Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 18.017 lượt công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, trong đó, Phục Hòa 2.478 lượt người, Hạ Lang 1.665 lượt người, Trùng Khánh 5.621 lượt người, Trà Lĩnh 1.895 lượt người, Bảo Lạc 3.130 lượt người… Số công dân xuất cảnh trái phép bị lực lượng chức năng phía Trung Quốc bắt giữ 469 người, đã trao trả 343 người; hiện đang giam giữ 32 người, có 3 công dân chết do tai nạn trên đất Trung Quốc.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê ngày càng tăng là do địa phương không có việc làm ổn định, đời sống người dân bấp bênh, nhất là trong thời gian nông nhàn, những dịp cuối năm. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trong khi nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tại Trung Quốc rất lớn, giá công lao động được trả cao hơn, trung bình quy đổi khoảng 200 - 300 nghìn đồng/người/ngày, hình thức thanh toán đơn giản.
Ngoài ra, do hạn chế hiểu biết, nhận thức về pháp luật, đường biên giới dài, địa hình rừng núi hiểm trở, phức tạp, có nhiều đường mòn, lối mở; thủ tục pháp lý về xuất nhập cảnh qua lại hai bên biên giới chưa đáp ứng được thực tiễn nhu cầu của người lao động; công tác quản lý dân cư của chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế; lực lượng chức năng làm công tác quản lý, tuần tra biên giới còn mỏng, thiếu nên chưa ngăn chặn hiệu quả việc người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.
Trước thực trạng gia tăng công dân khu vực biên giới xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới giữa UBND tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) với chính quyền thành phố Sùng Tả, Quảng Tây (Trung Quốc); phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác quản lý hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng, nắm chắc tình hình địa bàn, rà soát, kịp thời phát hiện các hoạt động lôi kéo, dụ dỗ đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, nhất là các dấu hiệu nghi vấn liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn…
Để giải quyết tốt tình trạng này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng cũng cần mở thêm các lớp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu tạo việc làm mới cho lao động; hỗ trợ các trường hợp được trao trả về vay vốn ưu đãi lập các mô hình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống... Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp môi giới lôi kéo người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp giấy thông hành, hộ chiếu nhằm hạn chế tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép…
Có thể nói, tìm việc làm, tạo thu nhập ổn định để nâng cao mức sống là nhu cầu chính đáng, nhất là với đồng bào vùng nông thôn, miền núi còn khó khăn. Nhưng, đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và quy chế bảo vệ biên giới. Hằng ngày, vẫn còn nhiều người dân bất chấp pháp luật vượt biên sang Trung Quốc làm thuê gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Điều này cho thấy các giải pháp của cơ quan chức năng đề ra chưa thực hiện quyết liệt, thiếu đồng bộ dẫn đến kém hiệu quả. Nếu không sớm sửa đổi, bài toán lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê ở Cao Bằng vẫn chưa có lời giải, dù đã tồn tại nhiều năm ở địa phương này.
Hà Thái