Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 26/09/2023 08:50 GMT+7

Cảnh báo tình trạng trẻ em vùng cao vi phạm trật tự an toàn giao thông

Biên phòng - Có một thực tế, ở các địa phương vùng cao tỉnh Lai Châu, tình trạng trẻ em điều khiển xe máy tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cá nhân và những người xung quanh, đặc biệt khi mà ở đây, điều kiện đường sá đi lại rất hiểm trở.

Hình ảnh dễ bắt gặp tại các địa phương vùng cao của tỉnh Lai Châu. Ảnh: Hoài Thương

Trên hành trình vào địa bàn các xã vùng cao thuộc huyện Phong Thổ và huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chúng tôi thường bắt gặp cảnh nhiều thiếu niên điều khiển xe máy tham gia giao thông trên các trục đường liên xã. Điểm chung dễ nhận thấy là hầu hết các em không đội mũ bảo hiểm, đi rất nhanh trên những cung đường hiểm trở. Ngoài việc không đội mũ bảo hiểm, một số em còn chở quá số người quy định ngồi phía sau. Qua tìm hiểu, được biết, rất nhiều trẻ em ở các địa phương vùng cao đã tập đi xe máy khi mới chỉ 12-13 tuổi, phần lớn do các em tự tập cho nhau.

Do chưa đủ chiều cao, nhiều em ngồi chới với trên những chiếc xe máy có kích thước lớn hơn và có trọng lượng nặng hơn cơ thể mình nhiều lần. Trên con đường vào bản Xì Phài, xã Dào San, huyện Phong Thổ, chúng tôi bắt gặp một bé gái, đầu không đội mũ bảo hiểm, đang điều khiển xe máy đi hướng ngược lại. Do đường hẹp, gặp xe ô tô ngược chiều nên phải sau 2-3 nhịp chống chân xuống đất, em mới dừng hẳn được chiếc xe máy bên đường để tránh.

Khi được hỏi, em cho biết mới 15 tuổi, nhưng biết đi xe máy đã 2 năm, ở đây còn nhiều bạn cùng tuổi như em cũng đi được xe máy. Có thể thấy, việc thiếu niên ở các địa phương vùng cao của tỉnh Lai Châu sử dụng xe máy tham gia giao thông trên các trục đường tiềm ẩn yếu tố mất an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu do ý thức, sự quản lí lỏng lẻo từ chính các gia đình. Bởi khi thấy con trẻ có thể sử dụng xe máy giúp được những việc thường ngày như đi chở nước sinh hoạt, đèo em đi học... nên bố mẹ các em đã không ngăn cản.

Trong khi đó, việc triển khai các biện pháp ngăn chặn các hoạt động vi phạm an toàn giao thông nói chung, trẻ em điều khiển xe máy nói riêng của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Bởi địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, các xã vùng cao có nhiều tuyến đường nhỏ, lực lượng Cảnh sát giao thông tại các huyện lại mỏng, khó thực hiện tuần tra, kiểm soát thường xuyên. Cùng với đó, đời sống, trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế, nên việc áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm của lực lượng thực hiện nhiệm vụ cũng gặp nhiều khó khăn. Biện pháp chủ yếu vẫn là nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành, tuy nhiên, hiệu quả mang lại không cao. Bởi họ thường biện hộ nhiều lý do cho hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của mình.

Trong thời gian qua, ở địa bàn các địa phương vùng cao của tỉnh Lai Châu chưa ghi nhận vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào do trẻ em điều khiển xe máy gây ra. Tuy nhiên, hành vi trên rất nguy hiểm cho chính bản thân các em nhỏ và người tham gia giao thông, do đó, cần có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng trên. Để đạt được kết quả tốt, cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, cần có sự đồng thuận của gia đình, chính quyền địa phương. Đặc biệt là các trường học thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền có hiệu quả các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh.

Theo đại diện của Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Phong Thổ, hằng năm, đơn vị đều phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế nên tình trạng trẻ em chưa đủ tuổi điều khiển xe, vi phạm an toàn giao thông đường bộ vẫn xảy ra. Trong thời gian tiếp theo, đơn vị sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông, đồng thời, sẽ tranh thủ uy tín của già làng, trưởng bản trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để làm tốt công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ.

V.L

Bình luận

ZALO