Biên phòng - Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ mua bán người, trong đó, các nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”. Đây là hồi chuông cảnh báo cho nhiều người dân nhẹ dạ cả tin trước thủ đoạn tinh vi của các đối tượng mua bán người.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, trong tổng số 40 vụ mua bán người trên toàn quốc, số vụ mua bán người được phát hiện, điều tra liên quan đến địa bàn Campuchia chiếm 17,5%. Các vụ việc tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia được phát hiện tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Đắk Lắk, Lào Cai, Thanh Hóa, Nam Định, Gia Lai… Đến nay, đã có 183 công dân được giải cứu hoặc tự trở về từ Campuchia. Riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lực lượng chức năng đã mở 16 hồ sơ chuyên đề nghiệp vụ, tiếp nhận trên 10 đơn thư tố giác của các gia đình nạn nhân tố giác hành vi mua bán người và đề nghị giải cứu các nạn nhân bị bán sang Campuchia. Hiện nay, đã có 9 nạn nhân được giải cứu trở về địa phương và bắt giữ nhiều đối tượng có liên quan.
Cách đây không lâu, 2 thanh niên tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, vì nghe lời dụ dỗ qua mạng xã hội Facebook đã đi làm việc tại công ty games ở Campuchia với mức lương hấp dẫn khoảng 800USD/tháng. Công việc được giao là dụ dỗ khách hàng nộp tiền qua các ứng dụng với chỉ tiêu khoảng 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, do áp lực công việc cao, thậm chí còn bị đánh đập, bỏ đói, các nạn nhân phải liên hệ gia đình bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiền chuộc để trở về Việt Nam.
Theo lời kể của 2 nạn nhân, công việc được giao là lập các tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook để tạo mối quan hệ rồi dụ dỗ khách hàng nộp tiền qua các ứng dụng, thời gian làm việc mỗi ngày từ 12 đến 14 giờ, nếu không đủ chỉ tiêu phải tăng ca. Do chỉ tiêu giao quá cao, nếu không đạt yêu cầu, các nạn nhân không được nhận lương, bị hành hạ, bỏ đói.
Hay như vụ việc gần đây nhất, ngày 18/8/2022, chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 21, thuộc khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ 40 người từ casino Rich World thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia bơi qua sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Qua khai thác của lực lượng chức năng, đa phần các đối tượng đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam, sau khi sang Campuchia thì làm việc tại casino Rich World. Một số đối tượng trước đó làm việc tại các casino đối diện với các tỉnh Tây Ninh, Long An, sau đó, được chuyển về casino Rich World. Các nạn nhân cho biết, công việc hằng ngày là làm games online và lên các trang mạng làm theo sự chỉ đạo của chủ casino, bị bóc lột sức lao động, không được nghỉ ngơi và không được trả lương. Vì vậy, nhóm người này đã bàn bạc, thống nhất tìm cách vượt biên giới trởvề Việt Nam.
Liên quan đến vụ 40 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam nói trên, sau thời gian ngắn tích cực điều tra, cơ quan điều tra đã phát hiện 4 đường dây có dấu hiệu tội phạm mua bán người xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thượng tá Nguyễn Công Vũ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là móc nối với một số đối tượng ở Campuchia, làm việc ở các sòng bài, games online, sau đó, dùng mạng xã hội Zalo, Facebook, Wechat để đăng tin tuyển dụng người 18-35 tuổi sang Campuchia làm việc với mức lương hấp dẫn. Sau khi tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội, chúng tổ chức đưa người trái phép qua biên giới.
Cụ thể, các đối tượng sử dụng mạng xã hội đăng bài tuyển dụng với nội dung “Công việc nhẹ, lương cao từ 800 đến 1.000 USD/tháng không cần bằng cấp, không cần kinh nghiệm, được đào tạo, bao mọi chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt cho người lao động... yêu cầu là biết đánh máy vi tính, không biết sẽ được đào tạo”. Chiêu trò này nhằm dụ dỗ, lôi kéo các nạn nhân đang gặp khó khăn về tài chính. Khi nạn nhân “mắc bẫy”, các đối tượng hướng dẫn, đưa nạn nhân sang Campuchia rồi bán cho các công ty lừa đảo trên không gian mạng như đánh bài trực tuyến, kinh doanh tiền ảo… Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng ép lao động từ 12-16 giờ, chịu sự quản lý nghiêm ngặt của chủ công ty. Nếu muốn trở về phải gọi điện cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp từ 3.000 đến 10.000 USD tiền chuộc. Nhiều trường hợp bỏ trốn (nhảy lầu, vượt rào… nguy hiểm đến tính mạng) khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng bắt lại rồi đánh đập, ngược đãi hoặc bán sang cơ sở khác.
“Từ giờ đến cuối năm 2022, nhất là khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các quốc gia, trong đó có Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh mở cửa hoạt động thương mại với các quốc gia láng giềng. Lợi dụng những điểm này, tội phạm mua bán người sẽ đưa người xuất cảnh trái phép hoặc lừa bán các nạn nhân qua biên giới với các phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Những trường hợp rất dễ bị lừa gạt là những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, ít quan tâm đến các thông tin tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác và kịp thời tố giác tội phạm mua bán người để các lực lượng chức năng kịp thời xử lý” - Đại tá Vương Trường Nam, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk nhấn mạnh.
Nguyễn Ngọc Lân