Biên phòng - Hiện nay, tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các địa phương vùng cao đang có diễn biến phức tạp và đáng báo động. Thực tế cho thấy, ở khu vực này, giao thông đi lại khó khăn đã gây không ít trở ngại cho công tác bảo đảm ATVSTP, nhất là với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới…
|
Cha mẹ những đứa trẻ ở miền núi thường không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của những thứ quà mua cho con em mình. |
Do nguồn thực phẩm sử dụng hàng ngày như thịt, cá và các loại thực phẩm thiết yếu khác thường không sẵn có, hoặc nếu có cũng không đủ đáp ứng cho nhu cầu nên tại nhiều địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn phải nhập về từ các thị trấn, thị tứ hoặc vùng tiếp giáp. Với cung đường xa, cùng với phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe khách hoặc xe máy, sau đó được phân tán ở các cửa hiệu bán hàng nhỏ, lẻ rải rác khắp nơi để dễ dàng đến với người tiêu dùng khiến những mặt hàng này có nguy cơ mất ATVSTP rất cao. Về vấn đề này, một cán bộ thuộc Trung tâm Y tế huyện miền núi Bát Xát (Lào Cai) cho biết, gần đây, quá trình kiểm tra tại một số cửa hàng tạp hóa ở các xã rẻo cao, cơ quan chức năng đã phát hiện một số mặt hàng quá hạn sử dụng, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ… nhưng vẫn được các chủ hàng tạp hóa bày bán cho người dân.
Đặc biệt, ở Lào Cai nói chung, các địa phương miền núi thuộc tỉnh nói riêng, hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo ATVSTP và rượu không rõ nguồn gốc có chiều hướng diễn biến phức tạp. Chỉ trong tháng 1-2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.000 lít rượu không rõ nguồn gốc đang được lưu hành trên thị trường và một vụ sản xuất 900 chai rượu không đảm bảo ATVSTP theo qui định.
Tương tự tại vùng cao Lào Cai, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, qua kiểm tra tại một số cửa hàng tạp hóa ở xã Ia Tiêm và Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, Gia Lai, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê đã phát hiện một số mặt hàng quá hạn sử dụng, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ… nhưng vẫn bày bán cho người dân. Đặc biệt, các mặt hàng nem, chả bị phát hiện có chất hàn the trong sản phẩm. Theo báo cáo của đoàn thanh kiểm tra liên ngành ATVSTP tỉnh Gia Lai, trong thời gian này, qua kiểm tra 33 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Pleiku, đã phát hiện 18 cơ sở vi phạm các quy định trong đảm bảo ATVSTP. Đoàn thanh kiểm tra liên ngành cũng đã tịch thu và tiêu hủy 253,2kg thực phẩm bánh, kẹo, mứt không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nói về "nguy cơ nóng" trong lĩnh vực ATVSTP ở khu vực miền núi, theo một cán bộ của Sở Y tế Hà Giang, ngoài yếu tố mang tính thị trường, tình trạng này còn có nguyên nhân từ ý thức người dân. Chẳng hạn, theo phong tục tập quán lâu đời của dân tộc Mông ở Hà Giang, lương thực trong bữa ăn chính là ngô tẻ và được chế biến dưới dạng mèn mén. Tuy nhiên, nhiều khi bột ngô để hàng tháng đã lên mốc xanh, nhưng bà con vẫn làm bánh ăn, dẫn tới ngộ độc. Kết quả điều tra cho thấy, hơn 9 năm qua (từ 2006 đến tháng 4-2014), tỉnh Hà Giang đã xảy ra 21 vụ ngộ độc bánh ngô mốc với 121 người mắc; trong đó có tới 48 người bị tử vong (chiếm tỷ lệ 39,6%). Riêng năm 2013 đã xảy ra một vụ ngộ độc bánh ngô mốc tại xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ với 7 người mắc, trong đó có 4 người tử vong.
![]() |
Người dân ở khu vực miền núi thường phải đối diện với tình trạng hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm không rõ xuất xứ. |
Cần nhiều "giải pháp nóng"
Do nhu cầu của người tiêu dùng, các cửa hiệu bán hàng nhỏ, lẻ xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng cao. Tuy nhiên, nguồn thực phẩm được bày bán ở đây rất ít khi được kiểm định về mức độ an toàn. Nguy hiểm hơn, với các quán ăn tại nơi tập trung dân cư như trung tâm xã, thị trấn, thị tứ, các chợ vùng cao, ý thức của nhiều chủ quán còn hạn chế. Đó là chưa kể phần đa các quán ăn chưa đạt tiêu chuẩn về ATVSTP như giá kê thức ăn không bảo đảm, nền nhà ẩm thấp, nhân viên phục vụ và cả chủ hàng không được khám sức khỏe định kỳ, không tập huấn kiến thức ATVSTP, không đeo găng tay khi chế biến và làm dịch vụ...
Mặt khác, qua khảo sát cho thấy, ở các vùng miền núi đa phần người dân ít quan tâm đến vấn đề ATVSTP. Nguyên nhân là do kiến thức của người dân còn nhiều bất cẩn và điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Tại các nhà dân bán tạp hóa, người mua khi có nhu cầu thì tìm đến mua thực phẩm, đồ ăn uống chứ không cần kiểm tra hạn sử dụng hay nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Thực tế hiện nay, nhiều đối tượng đã lợi dụng địa bàn miền núi để trà trộn sản phẩm không nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, không đảm bảo ATVSTP đưa về thị trường này tiêu thụ.
ATVSTP có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng, kinh tế của từng người, từng gia đình, mà còn ảnh hưởng đến sức lao động của toàn xã hội. Thiết nghĩ, để bảo đảm và phòng ngừa được nguy cơ gây mất ATVSTP ở các huyện miền núi, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải có sự quan tâm hơn, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tăng cường chức năng giám sát, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng. Mặt khác, mỗi người dân cũng phải tự giác, tích cực tham gia và thực hiện tốt ATVSTP.