Biên phòng - Căng thẳng giữa Mỹ, Canada và Mexico được giới chuyên gia dự báo sẽ “giảm nhiệt” sau Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ diễn ra vào đầu tuần này, tại Mexico, bởi không nước nào muốn xảy ra những hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế.
Theo giới quan sát khu vực, Mỹ, Canada và Mexico thời gian qua đã leo thang căng thẳng với xích mích xoay quanh việc Chính phủ Mexico tăng cường kiểm soát thị trường năng lượng trong nước. Sau khoảng thời gian dài âm ỉ, căng thẳng chính thức bùng nổ vào tháng 7/2022 khi Mỹ và Canada đệ đơn khiếu nại Mexico dựa trên thỏa thuận thương mại chung của 3 nước là Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Truyền thông quốc tế dẫn phân tích về những nét chính trong bản khiếu nại này cho hay, Mỹ và Canada cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã phân biệt đối xử với doanh nghiệp của hai nước. Thị trường tại Mexico đã bị thay đổi theo hướng có lợi cho Công ty dầu mỏ Petroleos Mexicanos (Pemex) và Công ty điện lực quốc gia CFE của nước này. Mỹ và Canada nhấn mạnh rằng, USMCA cấm các quốc gia thành viên được ban hành luật ưu tiên nhà sản xuất nội địa hoặc doanh nghiệp nhà nước.
Sau đó, các bên đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán giải quyết bất đồng nhưng sớm đi vào bế tắc, đình trệ. Trong bối cảnh đó, Mỹ và Canada đã đồng ý kéo dài quá trình này vượt thời hạn ban đầu 75 ngày.
Về phần mình, Tổng thống Mexico khẳng định không vi phạm nào và nhấn mạnh rằng, năng lượng là vấn đề trong nước. Cùng với đó, Tổng thống Mexico nhấn mạnh, trong USMCA có một điều khoản quy định quyền sở hữu không thể chuyển nhượng của Mexico đối với dầu mỏ và khí đốt của nước này.
Theo giới phân tích, trong USMCA có quy định, nếu tranh cãi giữa các bên không được giải quyết trong quá trình tham vấn, một ban hội thẩm có thể được triệu tập để phân xử. Trong trường hợp này, nhiều dự đoán cho thấy, Mexico sẽ thua và có thể khiến nền kinh tế nước này chịu nhiều hệ lụy tiêu cực, điển hình là nguy cơ bị Mỹ áp thuế trừng phạt. Tuy nhiên, cả Mỹ và Mexico đều không mong muốn phải rơi vào viễn cảnh tiêu cực này, thay vào đó là cố gắng giải quyết bất đồng trước khi đưa ra một ban hội thẩm.
Điểm lại bối cảnh thực tế của Mexico, giới quan sát cho biết, trước khi thực hiện cải cách năng lượng vào năm 2013, Mexico đã phải đối mặt với một số vấn đề: giá điện cao, công suất phát điện thấp và một số nhà máy điện thường đốt dầu để sản xuất điện. Điều này đã tạo động lực cho Chính phủ Mexico xây các đường ống nhập khẩu khí đốt tự nhiên sạch hơn từ Mỹ, tạo điều kiện để các công ty mua điện từ cơ sở sản xuất độc lập và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài lắp đặt tua bin điện gió hoặc nhà máy điện khí.
Truyền thông quốc tế dẫn các phân tích từ giới chuyên gia cho hay, Mexico có thể đã tạo quá nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài về giá nên không phải trả phí cho Ủy ban Điện lực Liên bang Mexico để phân phối điện qua các đường dây truyền tải thuộc sở hữu nhà nước. Thực tế này khiến các thực thể nhà nước đánh mất thị phần và thu nhập, trong khi vẫn phải duy trì đường dây truyền tải điện. Từ đó, điều mà chính quyền Tổng thống Lopez Obrador đang nỗ lực là ngăn chặn viễn cảnh Ủy ban Điện lực Liên bang Mexico phá sản hoặc mất thêm thị phần.
Giới chuyên gia nhìn nhận, Mexico có “đòn bẩy” trong các cuộc đàm phán với Mỹ là sự hỗ trợ của nước này trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư vào Mỹ, điều vốn là áp lực chính trị rất lớn của Mỹ ở thời điểm hiện tại. Cùng với đó, sự gắn kết giữa nền kinh tế của Mỹ và Mexico đang cần đẩy mạnh hơn bao giờ hết vì nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế vốn đang phủ bóng khắp khu vực.
Mặt khác, sự gắn kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế khu vực nếu được đẩy mạnh sẽ mang tới triển vọng phát triển khá mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành công nghiệp then chốt để phát triển mạnh mẽ và cả công nghiệp xanh để phát triển bền vững. Đây là những yếu tố tạo nên niềm tin về triển vọng giảm căng thẳng sẽ sớm thành hiện thực.
Thanh Trúc