Biên phòng - Mới đây, Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn cho khủng bố tấn công vào một căn cứ quân sự lớn của Ấn Độ ở khu vực Kashmir làm cho quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này bất ngờ leo thang căng thẳng. Vụ việc lần này làm dấy lên quan ngại về một "cuộc chiến không hồi kết" ở vùng đất nhạy cảm luôn xảy ra tranh chấp chủ quyền và các hoạt động đòi ly khai.

Súng nổ ở Uri
Cuối tuần trước, tại căn cứ Lục quân ở thị trấn Uri, huyện Baramulla, phía Bắc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, đã xảy ra vụ tấn công khủng bố làm 18 binh sĩ thiệt mạng. Cuộc tấn công xảy ra vào sáng sớm, khi 4 phiến quân được trang bị vũ khí hạng nặng đột nhập vào trụ sở của Lữ đoàn Lục quân số 12 của Ấn Độ ở thị trấn Uri, cách thành phố Srinagar - thủ phủ bang Jammu và Kashmir, khoảng 100km về phía Tây, đây là nơi đóng quân của hàng trăm sĩ quan cấp cao và binh lính Ấn Độ. Người ta nghi các tay súng này thuộc nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed (JeM) đóng căn cứ ở Pakistan.
Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào quân đội Ấn Độ kể từ nhiều năm nay tại Kashmir. Gần đây nhất là vụ tấn công hồi tháng 12-2014, ngay gần căn cứ quân sự Uri, làm 8 quân nhân và 3 cảnh sát Ấn Độ thiệt mạng.
Ngay sau vụ tấn công hôm 18-9, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh đã bày tỏ "rất thất vọng khi Pakistan tiếp tục hậu thuẫn trực tiếp cho chủ nghĩa khủng bố". Ấn Độ khẳng định có bằng chứng cho thấy những kẻ khủng bố đóng căn cứ tại Pakistan dính líu đến vụ tấn công ở Uri, đồng thời yêu cầu Islamabad "kiềm chế ủng hộ và tài trợ cho khủng bố" chống New Delhi.
Tổng thống Pranab Mukherjee và Thủ tướng Narendra Modi cũng lên án vụ tấn công khủng bố tàn bạo này, đồng thời tuyên bố, New Delhi sẽ thẳng tay trừng trị những kẻ đứng sau vụ tấn công hèn nhát này và sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo những vụ việc như vậy không tái diễn. Theo giới chức an ninh Ấn Độ, hiện có khoảng 200 chiến binh đang tìm cách xâm nhập thung lũng Jammu-Kashmir do Ấn Độ kiểm soát dọc Ranh giới kiểm soát (LoC) giữa Ấn Độ và Pakistan để tiến hành các vụ tấn công gây bất ổn tại khu vực này.
Về phía Pakistan, các quan chức cao cấp đã bác bỏ những cáo buộc của Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Nafees Zakaria khẳng định, việc đổ lỗi cho Pakistan đã trở thành "xu hướng truyền thống của Ấn Độ sau mỗi vụ tấn công khủng bố". Tổng chỉ huy các chiến dịch quân sự của Pakistan cho rằng, việc New Delhi cáo buộc Islamabad dính líu đến vụ tấn công khủng bố trên là "vô căn cứ và hấp tấp", đồng thời tái khẳng định, Pakistan không cho phép bất cứ hành động xâm nhập nào (từ phía Pakistan) vào khu vực LoC cũng như các khu vực dọc biên giới hai nước theo đúng các thỏa thuận đã ký giữa Islamabad và New Delhi.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Quân đội Pakistan và Ấn Độ đã nhất trí thiết lập đường dây nóng theo yêu cầu của phía Ấn Độ. Pakistan thậm chí đã áp đặt những hạn chế không phận và hủy tất cả các chuyến bay tới khu vực miền Bắc nước này, trong đó có khu vực ở Kashmir do Islamabad kiểm soát.
"Cuộc chiến" chưa có hồi kết
Kể từ sau khi giành độc lập từ thực dân Anh năm 1947, tranh chấp chủ quyền ở khu vực biên giới Kashmir luôn là vấn đề trở ngại lớn trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Hơn 60 năm qua, giữa Ấn Độ và Pakistan từng có hai cuộc chiến tranh quy mô lớn vào các năm 1965 và 1999 để giành quyền kiểm soát Kashmir, vùng đất mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bất khả xâm phạm, bởi nó không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng, mà còn liên quan đến lịch sử và những đối đầu mang tính tôn giáo, sắc tộc. Đỉnh điểm của xung đột ở khu vực này là cuộc giao tranh năm 1999 khiến hơn 1.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng.

Tháng 4-2003, Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành các bước đi tích cực nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao và bắt đầu duy trì một lệnh ngừng bắn dọc LoC dài 720km, chia vùng Kashmir thuộc dãy núi Himalaya làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Mặc dù giữa hai bên thỉnh thoảng xảy ra các cuộc đụng độ nhỏ lẻ, nhưng Ấn Độ và Pakistan vẫn tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn đọng, đặc biệt là vấn đề Kashmir. Đây được coi như một công cụ để xây dựng lòng tin quan trọng nhất giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á này.
Tuy nhiên, hai bên thường cáo buộc lẫn nhau vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực ranh giới Kashmir. Theo các nhà phân tích, căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan phản ánh hệ quả tất yếu của mối quan hệ chính trị "xuống cấp" giữa hai nước, nhất là sau vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ở thành phố Mumbai của Ấn Độ hồi tháng 11-2008, làm hơn 160 người thiệt mạng.
Vụ tấn công mới nhất nhằm vào căn cứ quân sự của Ấn Độ ở khu vực Kashmir hôm 18-9, một lần nữa cho thấy những bất đồng dai dẳng, căng thẳng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan. Cộng đồng quốc tế cho rằng, để tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết bất đồng cũng như xây dựng một cơ chế đối thoại song phương thực sự hiệu quả, cần nhiều thiện chí hơn nữa từ cả New Delhi lẫn Islamabad.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Pakistan Muhammad Nawaz Sharif ngày 21-9 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc hai nước giải quyết các bất đồng còn tồn tại thông qua đối thoại, vì lợi ích của cả hai quốc gia cũng như lợi ích của toàn khu vực. Chỉ có đối thoại mới hy vọng thúc đẩy hòa bình và ổn định cho vùng đất luôn "nóng" do tranh chấp giữa Ấn Độ với Pakistan này.
Trung Nguyên