Biên phòng - Lithi (lithium) được đánh giá là khoáng sản của tương lai. Vì vậy, cuộc cạnh tranh kiểm soát chuỗi cung ứng lithi đang ngày càng trở nên căng thẳng.
Lithi là thành phần quan trọng trong sản xuất pin li-on (lithium-ion) - loại pin cung cấp năng lượng cho hầu hết thiết bị điện tử hiện hành và cả ô tô điện. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, thậm chí các phương tiện giao thông cũng đã được vạch lộ trình rõ ràng cho quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu xăng, dầu truyền thống sang năng lượng điện, pin li-on sẽ ngày càng là nhu cầu bức thiết đối với cuộc sống của mỗi con người. Điều này cũng cho thấy, việc các cường quốc kiểm soát được chuỗi cung ứng lithi sẽ là căn bản để có được sức mạnh chi phối thế giới.
Theo giới chuyên gia quốc tế, lithi đang ngày càng tiến tới việc trở thành “trụ cột” của nền kinh tế toàn cầu. Liên hợp quốc gần đây cũng định hình rằng, lithi là trụ cột của nền kinh tế không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời là một giải pháp để tích năng lượng trong lưới điện sạch của tương lai. Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê cho hay, lithi đang trở thành mặt hàng được săn tìm nhiều bậc nhất trên thị trường quốc tế với giá cả đã tăng hơn 500% trong vòng 2 năm qua, phần nào phản ánh nguồn cung còn chưa theo kịp với nhu cầu thực tế.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, lithi cũng đang trở thành một động lực thúc đẩy các cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát loại khoáng sản quý giá này, kéo theo đó là khơi nguồn các dòng chảy địa chính trị. Quốc gia nào kiểm soát được chuỗi cung ứng lithi sẽ có được vị thế thống trị. Thậm chí, việc giành quyền kiểm soát chuỗi cung ứng lithi còn được nhìn nhận là đã trở thành một cuộc chiến trên thực tế, với sự khơi mào của Mỹ. Theo đó, để tái lập tầm ảnh hưởng đối với hàng hóa toàn cầu, Mỹ đã đưa chuỗi cung ứng trở lại đất nước, làm cản bước các đối thủ cạnh tranh.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã đạt tới vị trí thống trị hàng hóa và công nghệ năng lượng tái tạo, kéo theo đó là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này. Theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc hiện đứng thứ 6 thế giới về tài nguyên lithi với 5,1 triệu tấn và đứng thứ 4 thế giới về trữ lượng có thể khai thác với 1,5 triệu tấn. Trong khi đó, Mỹ có tới 9,1 triệu tấn trữ lượng nhưng chỉ có trữ lượng có thể khai thác ở mức 0,75 triệu tấn.
Những nỗ lực, quyết tâm tái lập vị thế dẫn dầu của Mỹ trên thực tế cũng khiến hai quốc gia xảy ra nhiều mâu thuẫn liên quan tới việc xác định vị trí và khai thác các mỏ lithi. Theo đánh giá từ giới chuyên gia, những năm gần đây, Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc trên trường quốc tế, trong khi Mỹ có xu hướng ngược lại. Trong lĩnh vực lithi, Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn ở các khu vực quan trọng giàu trữ lượng lithi, bao gồm Trung và Nam Mỹ, vốn được xem như “sân sau” của Mỹ. Theo giới quan sát, khu vực Mỹ Latinh sở hữu 56% trữ lượng lithi của toàn cầu, tập trung ở ba nước Bolivia, Argentina, Chile, được biết đến là “tam giác lithi”, ngoài ra còn có Brazil, Mexico.
Cũng theo giới quan sát, có những quốc gia có trữ lượng lithi lớn không cho thấy sự thân thiện với Mỹ, điển hình như Bolivia. Gần đây, nước này đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về quyền phát triển 2 nhà máy lithi ở Bolivia. Cùng với đó, Argentina và Brazil cũng đang tạo ra nhiều thách thức với Mỹ, khi hai nước này không chấp nhận các học thuyết mà Mỹ muốn áp dụng, cũng như muốn tìm môi trường đa cực để đảm bảo lợi ích. Từ đó, châu Mỹ đang chứng kiến cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc tiếp cận nguồn cung lithi khổng lồ này.
Theo giới chuyên gia, sự phát triển của pin lithi không chỉ đơn thuần là “cú hích” để nhân loại hiện thực hóa các mục tiêu về khí hậu. Dễ thấy, xu hướng phát triển các ngành công nghiệp sử dụng lithi như ô tô điện, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đã trên đà “bứt tốc” nhanh chóng. Điều này dẫn tới tham vọng kiến tạo lợi ích quốc gia từ việc kiểm soát chuỗi cung ứng lithi.
Thanh Trúc