Biên phòng - Căng thẳng tại khu vực biên giới kể từ sau vụ 18 binh sĩ Ấn Độ bị thiệt mạng trong một vụ tấn công đẫm máu nhằm vào một doanh trại quân đội của nước này ở bang Jammu và Kashmir hồi giữa tháng 9 đã khiến quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan leo lên mức thang nguy hiểm mới.

Ngày 28-9, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã gặp cả 3 chỉ huy các lực lượng hải, lục, không quân của nước này và thảo luận về tình hình an ninh sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào căn cứ quân sự của nước này ở khu vực Uri. Theo mạng Zee News, Bộ trưởng Parrikar đã đánh giá sự sẵn sàng phòng thủ của 3 lực lượng trên và ông đã nói với các lực lượng này rằng phải đáp trả bất kỳ âm mưu xâm nhập nào ở biên giới bằng tất cả sức mạnh.
Trong một động thái nhằm gây sức ép với Pakistan về chính trị và ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ cũng đang cân nhắc khả năng rút quy chế tối huệ quốc (MFN) đã trao cho Pakistan. Trước mắt, chính phủ Ấn Độ đã từ chối tham dự hội nghị cấp cao Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), dự kiến được tổ chức ở thủ đô Islamabad của Pakistan trong tháng 11 tới. Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh, tình trạng các vụ tấn công khủng bố qua biên giới gia tăng trong khu vực và việc một quốc gia can thiệp ngày càng nhiều vào công việc nội bộ của các nước thành viên SAARC đã tạo ra bầu không khí không có lợi để tổ chức thành công hội nghị ở Islamabad. Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, hợp tác khu vực và khủng bố không thể song hành với nhau.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan bất ngờ leo thang từ ngày 18-9 khi căn cứ lục quân tại thị trấn Uri, thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, bị những kẻ khủng bố được trang bị vũ khí hạng nặng tấn công, làm 18 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hơn 20 người bị thương. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã hai lần triệu Cao ủy Pakistan tại Ấn Độ Abdul Basit để phản đối việc Islamabad “dung túng” cho các phiến quân.
Theo Bí thư Đối ngoại Ấn Độ S.Jaishankar, vụ tấn công khủng bố mới nhất ở Uri chỉ cho thấy những kẻ khủng bố ở Pakistan vẫn đang hoạt động. Với bằng chứng là nội dung thu được từ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trên thi thể của những kẻ khủng bố thể hiện địa điểm và thời gian chúng xâm nhập qua đường Ranh giới kiểm soát (LoC) và đường đi tới khu vực tấn công, ngoài ra lựu đạn có các dấu hiệu của Pakistan, Ấn Độ khẳng định Pakistan có vai trò trong vụ tấn công ở Uri làm 18 binh sĩ thiệt mạng. “Nếu Chính phủ Pakistan muốn điều tra các vụ tấn công qua biên giới này, Ấn Độ sẵn sàng cung cấp dấu tay và các mẫu ADN của những phần tử khủng bố bị tiêu diệt ở Uri và Poonch”, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh. Giới chức Pakistan đã bác bỏ những cáo buộc của trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Nafees Zakaria khẳng định việc đổ lỗi cho Pakistan đã trở thành “xu hướng truyền thống của Ấn Độ sau mỗi vụ tấn công khủng bố”.
Tranh chấp nguồn nước còn đẩy căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á leo thang lên mức nguy hiểm mới. Trước đó, Pakistan chính thức yêu cầu Ấn Độ giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc Ấn Độ xây dựng các nhà máy thủy điện Kishenganga (trên sông Neelum) và Ratle (sông Chenab). Cố vấn các vấn đề đối ngoại của Thủ tướng Pakistan, ông Sartaj Aziz, cho biết nỗ lực của Ấn Độ nhằm chặn nguồn nước tới Pakistan có thể được xem như là một hành động chiến tranh. Luật pháp quốc tế không cho phép Ấn Độ đơn phương thay đổi các hiệp ước. Hiện Pakistan đã tiếp cận Tòa án công lý quốc tế (ICJ) nhằm tìm kiếm biện pháp giải quyết vấn đề này.
Những gia tăng căng thẳng trên biên giới và tranh chấp nguồn nước đang đẩy quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đi xa dần mục tiêu hòa bình trong khu vực. Để đưa mối quan hệ này quay trở lại quỹ đạo, đòi hỏi mỗi bên cần hết sức kiềm chế, tránh để xảy ra xung đột trên biên giới và tìm kiếm các giải pháp hòa bình thông qua đối thoại.
Thu Uyên