Biên phòng - Đất nước đổi mới phát triển, đòi hỏi cần có hệ thống cảng nước sâu, được ví như “trái tim” của kinh tế biển. “Cửa ngõ” cảng bị nghẽn, đồng nghĩa với việc hàng hóa sẽ ứ đọng ngay tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất... Đảng, Nhà nước ta đã sớm có tầm nhìn chiến lược lớn, hoạch định xây dựng những cảng nước sâu chủ lực, trở thành “cửa ngõ” quan trọng của nền kinh tế quốc gia.
Bài 1: Sự ra đời cảng nước sâu trên sông đặc biệt
Năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 730 tỉ USD, được xem là đỉnh cao của hơn 35 năm đổi mới. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đóng góp to lớn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước. Những chiếc “tàu mẹ” vào Cái Mép nhận hàng chở đi thẳng châu Mỹ, châu Âu..., vừa là niềm tự hào của quốc gia biển, vừa khẳng định Việt Nam có nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ.
Trung chuyển quốc tế tại Cái Mép
Chiếc tàu container CMA CGM NABUCCO, chiều dài 350m, tải trọng gần 200.000 tấn, vừa cập vào cảng Gemalink (thuộc cụm cảng Cái Mép) an toàn. Trên cầu cảng đã có hàng chục chiếc xe chuyên chở container đang xếp hàng đợi sẵn, 5 giàn cần cẩu chuyên dụng bắt đầu hoạt động hết công suất để đưa container từ tàu xuống cảng. Khoảng 4 giờ sau, xe chở container từ bãi chứa ra cảng để đưa lên tàu. Gần một ngày, chiếc “tàu mẹ” đã tiếp nhận trên 3.000 container của Việt Nam chở thẳng đi châu Âu.
Thuyền trưởng tàu CMA CGM NABUCCO kéo những hồi còi dài cho tàu rời cảng tiến ra biển lớn. Đằng sau chiếc tàu khổng lồ rời cảng kia, có biết bao chính sách, công ăn việc làm, thu nhập của nền kinh tế quốc gia. Suốt nhiều năm, đất nước ta kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại, chủ động hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới. Nhiều chủ trương, quyết sách ở tầm chiến lược được Đảng, Nhà nước ta đưa ra hợp lý theo tình hình của đất nước và quốc tế.
Các đoàn ngoại giao của nước ta đã nỗ lực đi đàm phán, tháo gỡ những nút thắt để đi đến ký kết các hiệp định song phương và đa phương, mở đường cho hàng hóa của nước ta vươn ra toàn cầu. Trên mỗi sản phẩm có gắn dòng chữ “Made in Vietnam”, vừa khẳng định thương hiệu quốc gia, vừa khẳng định nền kinh tế của Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
“Thời gian trước đây, khi chưa có cảng Cái Mép, gần như hàng hóa của Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, châu Âu… đều phải chở sang cảng Singapore trung chuyển, làm tăng thêm chi phí giá thành của sản phẩm, giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Từ khi cụm cảng container Cái Mép đi vào hoạt động, 100% hàng hóa từ miền Trung trở vào miền Nam của nước ta tập trung về Cái Mép để thực hiện trung chuyển quốc tế, đi thẳng đến tất cả các châu lục trên thế giới” - ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép thông tin.
Sớm hình thành cảng cửa ngõ quốc gia
Ngược dòng thời gian, hồi tưởng lại nơi đây từng là vùng đất ngập nước hoang vắng, nay trở thành vùng kinh tế hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư nhiều tỉ USD. “Trước đây, cả vùng này là rừng đước rộng mênh mông, từ ngoài cửa sông Cái Mép đến Phú Mỹ không có nhà cửa gì hết. Nếu thấy người nào xuất hiện ở đây, thì đó là dân đi bắt cua, thả lưới từ tỉnh Đồng Nai xuống hoặc thành phố Hồ Chí Minh qua. Mỗi lần tôi xuống đây bắt cá phải ở lại 3-5 ngày mới quay về. Vậy mà mới hơn 10 năm, vùng này phát triển kinh tế quá trời, quá đất” - ông Lê Thành Lợi, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, gắn bó với vùng đất cửa sông Cái Mép hơn 40 năm kể lại.
Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập của Đảng, Nhà nước ta, các nhà đầu tư nước ngoài tới tấp vào các tỉnh phía Nam tìm cơ hội hợp tác làm ăn. Ông Nguyễn Tuấn Minh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Các nhà đầu tư nước ngoài muốn đổ vốn vào Việt Nam làm ăn, việc đầu tiên là người ta nhòm ngó “cửa” ra thế giới như thế nào. Hệ thống cảng thành phố Hồ Chí Minh không đón được tàu lớn, đòi hỏi vùng kinh tế phía Nam phải có cảng nước sâu để đón tàu chở hàng siêu trường, siêu trọng phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Năm 1992, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt tổng thể quy hoạch hệ thống cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu...”.
“Năm 1996, cảng Phú Mỹ khánh thành đi vào hoạt động, đúng thời điểm nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu xây dựng nhà máy lớn, công trình phát triển kinh tế ở các tỉnh phía Nam. Nó giống như bước ngoặt của nền kinh tế, vừa giải quyết hàng hóa nhập khẩu là máy móc, nguyên liệu “đầu vào” phục vụ cho sản xuất, vừa khơi thông “đầu ra” hàng xuất khẩu ra thị trường thế giới, đem đồng đô la lợi nhuận về nước” - Đại tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, nguyên Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (Trạm trưởng Trạm Biên phòng cảng Phú Mỹ đầu tiên, năm 1996) nhớ lại.
Năm 2009, tiềm năng này mới được khơi thông mạnh, những nhà đầu tư Nhật Bản hợp tác cùng doanh nghiệp cảng biển của Việt Nam tiến hành xây dựng bến cảng container nước sâu đầu tiên tại Cái Mép. Đến hôm nay, có trên 10 bến cảng tiếp nhận tàu container, mới có tên gọi “Cụm cảng Cái Mép”. Gộp chung hai cụm cảng lại có tên “Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải”, Cụm cảng Thị Vải chuyên đón tàu chở hàng rời, hàng siêu trường, siêu trọng.
Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải thích: “Cảng Cái Mép có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm sát với đường hàng hải quốc tế, có luồng ổn định không bị bồi đắp, không bị tác động của sóng biển. Giảm chi phí đầu tư xây dựng cảng, vì không làm đê bao chắn sóng như nhiều cảng biển đã làm”.
Độc đáo của dòng sông
“Theo nghiên cứu của các nhà khoa học địa chất, sự hình thành sông Cái Mép - Thị Vải là vết nứt gãy trong quá trình kiến tạo, đã tạo nên độc đáo của dòng sông, có độ sâu tự nhiên 12-15m, lòng sông rộng đủ để tàu lớn quay mũi an toàn. Thời kỳ nước Pháp, Mỹ xâm chiếm nước ta, họ đã có hồ sơ nghiên cứu kỹ luồng lạch sông này, lúc đó họ chưa có đủ khả năng để xây dựng cảng lớn chuyên dụng như hiện nay”. Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin.
Bài 2: Cụm cảng đặc biệt
Hải Luận