Biên phòng - “Chắc chắn trong tương lai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là địa phương dẫn dắt sự phát triển của vùng, của cả nước, nếu có cơ chế, chính sách phù hợp. Cần hình thành một hành lang kinh tế dài gần 300km, kéo dài từ cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) về sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải” - đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nói về tầm nhìn lớn.
Bài 4: Cảng “kéo” công nghiệp phát triển
Hành lang kinh tế gần 300km
Câu chuyện phát triển kinh tế công nghiệp ở miền Đông Nam Bộ mang nhiều ý nghĩa, nằm trong tổng thể nền kinh tế quốc gia. Từ năm 1996, cảng nước sâu Phú Mỹ đi vào hoạt động, giai đoạn đầu tiếp nhận tàu chở hàng nhập khẩu là linh kiện máy móc để xây dựng các nhà máy sản xuất, tiếp theo là nguyên liệu sản xuất. Đến nay, khu vực Cái Mép - Thị Vải đã có 35 bến cảng, công suất trên 150 triệu tấn/năm, chưa kể số lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng của thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy tốc độ phát triển ở khu vực phía Nam rất nhanh.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu “có lý” khi đề xuất cơ chế và chiến lược cho phát triển hành lang kinh tế gần 300km vì Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực thực hiện các dự án lớn: Sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai (cách Cái Mép khoảng 40km); tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cầu Phước An (Đồng Nai) kết nối tỉnh Long An, “cửa ngõ” đi miền Tây; tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Minh), kết nối với Campuchia, Thái Lan; tuyến đường vành đai 3 liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố. Tất cả những dự án này sẽ tạo nên những trục giao thông hiện đại, liên hoàn với các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất ở các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thuận lợi nhất.
Hệ thống cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu giống như thỏi nam châm khổng lồ “hút” các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vốn vào khu vực này. Ngay ở cửa ngõ sông Cái Mép, có Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD, một siêu công trường hoạt động nhộn nhịp mấy năm qua, đến nay đang vận hành thử.
“Nhiều thiết bị lắp ráp ở Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được nhập khẩu từ châu Âu, được xem là công nghệ tiên tiến hiện nay. Dự án giúp Việt Nam thay thế và giảm dần nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất các ngành công nghiệp, tạo ra sức lan tỏa và tăng sức cạnh tranh của ngành sản xuất ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì…” - ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc Tổ hợp hóa dầu Long Sơn cho biết.
Sát với cụm cảng container Cái Mép có nhà máy công nghiệp Hyosung, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD; kế bên có nhà máy khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia, với những bồn chứa cực lớn, hằng ngày xe ô tô chuyên dụng xếp hàng dài chờ vào nhận hàng. Ngược lên phía cụm cảng Thị Vải, có nhiều nhà máy công nghiệp nặng sản xuất cột điện gió, thiết bị siêu trường, siêu trọng; nhà máy sản xuất khí điện đạm Phú Mỹ… 70% sản lượng nguyên liệu thép trong ngành công nghiệp cơ bản đều nằm ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết năm 2022, toàn vùng phía Nam đã thu hút 19.835 dự án, với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ USD. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 532 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 33,2 tỷ USD. Bà Rịa - Vũng Tàu đang có lợi thế cảng nước sâu “kéo” công nghiệp phát triển theo, là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, cứ điểm để phát triển các ngành kinh tế biển, công nghiệp nặng, công nghiệp chế biển…
Giữ đầu tàu liên kết vùng
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo: “Cần phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước”.
Rõ ràng, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đóng vai trò như “yết hầu” của nền kinh tế, tạo sức lan tỏa, kết nối phát triển vùng và tiểu vùng. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: “Chủ trương hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là một cơ chế ưu đãi dành riêng cho Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là cơ chế đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ tạo ra một công cụ kinh tế hữu hiệu của Việt Nam, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nó là giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào khu vực này, đồng thời thực hiện chiến lược công nghiệp hóa trong giai đoạn mới mà Trung ương vừa mới ban hành nghị quyết. Qua đó, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Nam Bộ, đóng góp lớn hơn vào sự thịnh vượng chung của cả nước”.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành “vùng sinh thái công nghiệp”, xây dựng nhiều khu công nghiệp, trong đó có những khu công nghiệp chuyên sâu. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng như các khu vực khác phía Nam có sự liên kết trong sản xuất để tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu đầu vào, giải quyết tốt đầu ra sản phẩm.
Đơn cử, trước đây, một doanh nghiệp ở Đồng Nai sản xuất ra các sản phẩm từ nhựa, phải nhập khẩu nguyên liệu hạt nhựa từ nước ngoài về. Hiện nay, ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 2 nhà máy sản xuất hạt nhựa, sản lượng 4 triệu tấn/năm. Tập đoàn Lego (Đan Mạch) mới đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại Khu công nghiệp VSIP III, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Nguyên liệu sản xuất ở gần nhà máy, gần cảng nước sâu là sự lựa chọn quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi sản phẩm của họ cung ứng cho toàn cầu.
“Bến đỗ” của các tập đoàn công nghệ
“Suốt nhiều năm qua, Chính phủ theo đuổi chính sách mời gọi các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Intel, Apple, Samsung, LG, Foxconn... đã đến Việt Nam đặt nhà máy, tổ hợp sản xuất quy mô từ vài tỷ đến vài chục tỷ USD. Việt Nam không thể trở thành một điểm đến lý tưởng của các tập đoàn lớn công nghệ toàn cầu, nếu thiếu một hệ thống logistics hiện đại, có năng lực vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa nhanh chóng” - ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đưa ra vấn đề rất thời sự.
Hải Luận