Biên phòng - Những năm gần đây, các tỉnh phía Nam liên tục có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, hợp tác, đầu tư, kinh doanh. Nhiều nhà máy, khu chế xuất mới được xây dựng ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho lưu thông và xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi nhất, Chính phủ đã đầu tư hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, tăng khả năng kết nối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Bài 3: Phát huy lợi thế, tiềm năng
Trong chuyến thăm cụm cảng Cái Mép và làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 18/12/2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ, luôn ưu tiên mọi cơ chế chính sách thuận lợi nhất, tạo đòn bẩy cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải phát triển: “Phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, là 1 trong 2 cảng biển nước sâu của quốc gia, nhất là hệ thống cảng biển đặc biệt Cái Mép - Thị Vải, nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”.
Kết nối chân hàng
“Lợi thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nằm ở sát chân hàng, vùng kinh tế năng động nhất nước, đó là Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn chọn Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng nhà máy sản xuất lớn, trị giá 1-5 tỷ USD/dự án, nằm sát cụm cảng Cái Mép. Thời gian tới, tốc độ phát triển khu vực Phú Mỹ, Long Sơn… rất lớn” - ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn nhận từ thực tiễn.
Trên dòng sông Cái Mép có trên 10 bến cảng đón được tàu container của nhiều nhà đầu tư khác nhau, trong đó có góp vốn của một số hãng tàu lớn thế giới. Muốn có nhiều hàng “nuôi” cảng và “tàu mẹ”, bản thân mỗi cảng phải đi tiếp thị, chào mời khắp nơi. “Riêng cảng quốc tế Cái Mép đã kết nối trên 10 cảng thủy nội địa ở gần với khu công nghiệp, nhà máy sản xuất của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... Hằng ngày, họ sử dụng tàu nhỏ chở container đưa xuống cảng Cái Mép. Rồi tàu ở ngoài miền Trung chở container vào, gom đủ số lượng lớn container, “tàu mẹ” ghé vào nhận hàng chở đi giao cho khách hàng ở khắp nơi trên thế giới” - ông Trần Văn Cảnh, Giám đốc khai thác cảng quốc tế Cái Mép nêu vấn đề cụ thể.
Nhiều cảng khác mở tuyến kết nối theo đường thủy nội địa với nguồn hàng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngoài lượng hàng trong nước chiếm phần lớn, cụm cảng Cái Mép còn nhận trung chuyển quốc tế cho hàng của Indonesia, Philippines, Campuchia… Tuyến đường sắt đưa hàng từ các tỉnh xa đến ga Biên Hòa, Sóng Thần…, sau đó theo xe ô tô chở về Cái Mép. Hàng từ Tây Nguyên, hay từ nước bạn Lào muốn xuất đi thị trường châu Âu, châu Mỹ… cũng tìm đến cụm cảng Cái Mép.
Tạo thế cạnh tranh quốc tế bền vững
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải giống như “chợ đầu mối” thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu, điểm chốt quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm cảng biển đặc biệt, với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu có tải trọng 250.000 tấn.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là dự án quan trọng cấp quốc gia, được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 vào tháng 9/2020, điều chỉnh cục bộ vào tháng 4/2022, với diện tích 891,17ha, tổng mức đầu tư dự án là 154.391 tỷ đồng. Hiện nay, cả Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang lựa chọn nhà đầu tư đủ tiềm lực mạnh để thực hiện dự án.
Bộ Giao thông vận tải đã quyết định đầu tư 1.420 tỷ đồng cho dự án nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải, từ cảng đến phao số 0 để đạt độ sâu 14-15,5m, đủ sức đón tàu container lớn nhất thế giới hiện nay ra vào an toàn, mà không cần chờ thủy triều lên. Đây được xem là “át chủ bài” của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, trong cuộc đua cạnh tranh cảng quốc tế bền vững. Đồng thời tiến hành nạo vét các luồng đường sông từ các tỉnh miền Tây và miền Đông về Cái Mép.
Dự báo, trong thời gian tới, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng lên rất nhiều, đòi hỏi trình độ và năng lực cảng cửa ngõ quốc gia, nâng tầm và đạt đến trình độ khu vực và quốc tế. “Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trải qua thời gian hoạt động thực tiễn, đã bộc lộ một số vấn đề. Quy hoạch nhiều bến cảng, với nhiều chủ đầu tư khác nhau, dẫn đến đầu tư thiếu đồng bộ, công tác phối hợp giữa các cảng chưa tốt, khu cảng chức năng (hàng rời) và cảng container vẫn chưa độc lập” - ông Lương Anh Tuấn nêu thực trạng.
Để hiểu rõ thêm vấn đề này, tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Lương Anh Tuấn.
- Đã xuất hiện việc hạ giá một số dịch vụ cảng biển, xét về lâu dài sẽ không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia?
- Đang xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm” ở cụm cảng Cái Mép. Bởi vì chưa có cơ quan quản lý cảng thống nhất, có đủ thẩm quyền giải quyết các vấn đề cho cảng nhanh chóng trong đầu tư và khai thác. Hiện nay, chưa có khung pháp lý hoặc quy chế dành riêng cho cảng đặc biệt. Đã gọi là đặc biệt thì cần “đối xử” đặc biệt, mới phát huy tiềm năng, khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
- Kinh nghiệm một số nước có cảng trung chuyển hoặc cảng lớn họ quản lý như thế nào?
- Ở một số nước có chính quyền cảng điều hành. Trong Luật Hàng hải Việt Nam có quy định: Ban quản lý và khai thác cảng do Chính phủ thành lập, được giao vùng đất, vùng nước cảng biển để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng. Theo tôi, với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cần có Ban quản lý cảng thống nhất, được trao đủ quyền hạn và chức năng trong đầu tư và khai thác, tạo tính đồng bộ, thống nhất, đạt trình độ đẳng cấp quốc tế. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Hà Lan, có đến thăm, tìm hiểu cảng Rotterdam, nằm trong danh sách 10 cảng lớn nhất thế giới. Hy vọng tới đây, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo, quyết định những cơ chế chính sách cho cụm cảng đặc biệt hoạt động hiệu quả cao.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng
“Sông Cái Mép và Thị Vải thuộc địa phận của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh (ranh giới nằm ở giữa sông), toàn bộ cảng nằm về phía Bà Rịa - Vũng Tàu. Với hệ thống cảng quốc tế, đòi hỏi công tác đảm bảo an ninh nghiêm ngặt, đồng thời luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, hãng tàu… hoạt động tốt. Mọi thủ tục xuất nhập cảnh được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế”. - Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Chỉ huy trưởng BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Bài 4: Cảng “kéo” công nghiệp phát triển
Hải Luận