Biên phòng - Cảng biển là “trái tim” của kinh tế biển, hệ thống logistics là huyết mạch. Phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải không chỉ có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mà cho phát triển cả nước. Vì đây là cửa ngõ ra biển cho cả vùng Đông Nam Bộ, nơi đóng góp 33% GDP của cả nước, đồng thời là cửa ngõ lưu thông hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, giúp hàng của Campuchia, Lào đi xuất khẩu.
Bài 2: Cụm cảng đặc biệt
Đón tàu siêu tải trọng vào cảng
Vấn đề tăng kích cỡ tàu lên gấp đôi đi vào sông Cái Mép - Thị Vải và cập cảng an toàn, phải trải qua thời gian dài chạy thử nghiệm. “Cảng Thị Vải mới xây dựng chỉ đón tàu dưới 50.000 tấn. Cách đây 9 năm, có một chiếc tàu nước ngoài tải trọng 80.000 tấn, chở hàng rời muốn cập vào cụm cảng Thị Vải. Cảng phải xin giấy phép của Bộ Giao thông vận tải, rồi họp lên họp xuống nhiều lần, đưa ra rất nhiều phương án để đưa tàu vào cảng. Lần đầu tiên đưa được tàu lớn vào cảng là niềm tự hào của ngành hàng hải, mở lối cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - ông Nguyễn Hồng Chương, Công ty đại lý tàu biển Hải Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhớ lại.
Lúc đầu, nhà đầu tư Nhật Bản thiết kế cảng container Cái Mép chỉ đón được tàu có tải trọng dưới 100.000 tấn. Sau thời gian ngắn hoạt động, cảng đã “nâng đời” lên đón được “tàu mẹ” tải trọng 220.000 tấn, dài gần 400m.
“Đây là bước đột phá của ngành giao thông vận tải, tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có để nâng kích cỡ tàu lên, phù hợp với xu hướng của thế giới. Cụm cảng Cái Mép tiếp nhận tàu tăng tải trọng lên gấp đôi như hiện nay, đó là sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của Việt Nam. Các cảng biển trên thế giới đã tăng kích cỡ tiếp nhận tàu trên dưới 200.000 tấn, cảng nước ta cứ nằm ở 100.000 tấn thì “tàu mẹ” không ghé vào Cái Mép nữa, coi như hết vai trò cảng nước sâu, cửa ngõ nền kinh tế khu vực. Bây giờ, cảng Cái Mép đã đón được “tàu mẹ” lớn nhất thế giới vào - ra an toàn, nó có giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam” - ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc cảng quốc tế Cái Mép phân tích.
Dòng sông này chiều rộng không lớn lắm, có nhiều khúc cua, mật độ lưu lượng tàu qua lại trên sông khá lớn. Điều khiển con tàu dài trên 250m vào - ra an toàn là cả một quá trình. Ông Kỳ chia sẻ: “Tàu tải trọng 70.000 tấn, nâng lên 100.000 tấn, thấy cực kỳ an toàn mới cho nâng lên tiếp 130.000 tấn, rồi 150.000 tấn, 180.000 tấn, 220.000 tấn. Qua mỗi nấc như vậy, cảng phải trải qua quá trình chạy thử nghiệm thực tế ở luồng, chạy cả ban ngày và ban đêm. Trước khi đưa “tàu mẹ” lớn nhất thế giới vào Cái Mép, thuyền trưởng “tàu mẹ” sang Việt Nam, cùng với chuyên gia Hà Lan, các cơ quan ngành giao thông vận tải ngồi lại lập ra phương án đưa tàu vào cảng, rồi chạy mô phỏng trên buồng lái. Trước đó phải ra nước ngoài học cách đưa tàu lớn vào cảng”.
- Cảng quốc tế Cái Mép vừa được Ngân hàng Thế giới xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu. Họ xếp hạng dựa trên những tiêu chí nào? - tôi hỏi.
- Cảng Cái Mép được xếp hạng cao hơn các cảng trung chuyển lớn ở khu vực châu Á như cảng Yokohama - Nhật Bản (thứ 12), cảng PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (thứ 31), Hồng Kông - Trung Quốc (thứ 38). Tiêu chí đánh giá cả cộng đồng trách nhiệm: Hoa tiêu, cảng, cảng vụ, Biên phòng, Hải quan… Tính từ khi tàu vào đến phao số 0, thủ tục nhập cảnh, hoa tiêu lên dẫn tàu vào cập cảng, tốc độ bốc dỡ hàng hóa, đảm bảo an ninh, an toàn đến khi tàu quay trở ra đến phao số 0.
Số hóa theo chuẩn quốc tế
Cạnh tranh quốc tế về cảng biển, thời gian tính bằng phút tàu ở lại cảng, do vậy, thủ tục hành chính, thái độ của người thực thi nhiệm vụ tại cảng biển đóng vai trò quan trọng trong hội nhập kinh tế thế giới. “Trước đây, để làm thủ tục một chiếc tàu, bao gồm cả thuyền viên, hàng hóa xuất nhập khẩu, phải cầm một xấp giấy tờ, đi hết cơ quan này đến cơ quan khác làm thủ tục. Từ khi có Cổng thông tin một cửa quốc gia, đại lý tàu hay hãng tàu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, có mã số đều vào làm thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, trước 8 giờ tàu cập cảng. Các cơ quan chức năng như: Biên phòng, Hải quan, cảng vụ, kiểm dịch y tế vào kiểm tra lĩnh vực mình phụ trách và bấm nút hoàn thành, tàu cập cảng” - Trung tá Hà Văn Trường, Đội trưởng Đội Thủ tục, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Ngành hải quan đang ứng dụng công nghệ vào xuất nhập khẩu hàng hóa, gần như mọi thủ tục đều thực hiện trên hệ thống điện tử. Mới đây, ngành đã lắp đặt máy soi container di động tại cảng và ở các khu công nghiệp. Hải quan còn sử dụng mạng xã hội như Zalo để nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị hoặc câu hỏi cần tư vấn về thủ tục hải quan của người dân, doanh nghiệp. Mọi vấn đề về xuất nhập khẩu có thể truy cập nhanh với tiện ích của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cung cấp như: Tra cứu danh sách cảng khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu; tra cứu thông tin tờ khai hải quan; tra cứu thông tin nộp thuế; tra cứu nợ thuế; tra cứu danh sách container soi chiếu…
Tốc độ bốc dỡ container tại cảng là thước đo đánh giá của một cảng cửa ngõ tầm quốc tế. Vì mỗi chiếc “tàu mẹ” có trên dưới 20.000 container, lịch giao hàng đi qua nhiều nước, nếu không ứng dụng kỹ thuật số vào bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu, rất dễ bị sai sót, mất uy tín với khách hàng, hãng tàu.
“Khi tàu đang ở ngoài khơi, họ đã gửi cho cảng sơ đồ container sẽ xuống cảng Cái Mép và sơ đồ container đưa lên tàu xếp vào vị trí, theo thứ tự xuống cảng của nước nào trước, nước nào sau. Tất cả được số hóa, người lái cẩu nhấc một container ở tàu lên, bấm số vào máy, lập tức hiện lên sơ đồ vị trí container đó xếp ở chỗ nào. Hệ thống đồng bộ từ tàu, lái cẩu, xe chở, phòng kế hoạch… được lập trình với nhau chính xác” - ông Trần Văn Cảnh, Giám đốc khai thác cảng quốc tế Cái Mép giải thích cơ bản.
Doanh thu tăng trưởng lớn
Theo Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2022 đạt gần 70 triệu tấn. Doanh thu dịch vụ cảng đạt gần 6.000 tỉ đồng, Công ty cổ phần cảng Cái Mép Gemadept-Terminal Link tăng 89,09% so với năm 2021, Công ty Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải tăng 58,18% so với năm 2021... Hằng tuần, có nhiều chuyến “tàu mẹ” đến nhận hàng container tại cụm cảng Cái Mép đi thẳng bờ Đông, bờ Tây nước Mỹ, châu Âu, châu Á...
Bài 3: Phát huy lợi thế, tiềm năng
Hải Luận