Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Cần xử phạt các tàu cá không chấp hành yêu cầu tránh, trú bão

Biên phòng - Đó là đề nghị của ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai khi chủ trì cuộc họp phòng chống bão số 10 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng nay, 5-11.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp sáng 5-11. Ảnh: Bích Nguyên

Các địa phương từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân trước khi bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến sơ tàn là 7.688 hộ/28.285 người, trong đó đã thực hiện sơ tán 2.178 hộ/8.125 người.

Xử phạt một tàu cá không hợp tác với lực lượng cứu hộ

Có một thực tế là một số tàu, thuyền không chấp hành yêu cầu di chuyển về nơi tránh, trú bão an toàn khi có bão gây thiệt hại rất lớn như vụ 2 tàu Bình Định bị chìm ngày 27-10 trong bão số 9 vừa qua. Công tác tìm kiếm cứu hộ rất tốn kém và vất vả nhưng chỉ có 3 ngư dân may mắn sống sót, còn 23 người vẫn đang mất tích.

Một số đại biểu dự họp đều cho rằng cần phải có biện pháp mạnh hơn để răn đe các chủ tàu còn chủ quan, chỉ vì lợi ích nhỏ của cá nhân mà ảnh hưởng đến lợi ích Quốc gia.

Ngày 19-10, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi đã ra quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với ông Bùi Văn Tám, chủ tàu cá QNg 90741 TS theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 104/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủ lợi, đê điều.

Cụ thể, 2 giờ sáng ngày 11-10, tàu cá QNg 90741 TS khi đang chạy vào bờ để tránh bão số 6 thì bị hỏng máy ở khu vực cách cảng Dung Quất khoảng 8 hải lý về hướng Đông Bắc. Ông Bùi Văn Tám, chủ tàu phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp. Sau đó, bà Đỗ Thị Chung (vợ ông Tám) đến Đồn Biên phòng Bình Thạnh, BĐBP Quảng Ngãi thông tin và liên hệ để được cứu hộ khẩn cấp. Lúc 7 giờ 30 phút Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn BĐBP Quảng Ngãi đã điều tàu BP.091901 đi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, do sóng to tàu không ra khỏi cảng Dung Quất được.

Đến 9 giờ ngày 11-10-2020, nhận được thông tin yêu cầu cứu hộ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã điều 2 tàu Cảnh sát biển ra cứu hộ tàu QNg 90741 TS. Trong quá trình cơ động ra cứu hộ, lực lượng cứu hộ gọi điện thoại 15 lần cho ông Tám nhưng ông Tám chỉ trả lời 2 lần sau đó không nghe máy nữa. Đến 14 giờ 45 phút ngày 11-10, lực lượng cứu hộ phải quay về.

Sau đó, qua kiểm tra thông tin, BĐBP Quảng Ngãi nắm được lúc 15 giờ cùng ngày các ngư dân tàu QNg 90741 TS đã khắc phục được sự cố hỏng máy và điều khiển tàu chạy về đến cảng Dung Quất lúc 21 giờ ngày 11-10 an toàn.

Ông Tiến đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng BĐBP phối hợp với ngành Thủy sản tăng cường tuyên truyền, giáo dục, răn đe và kiểm điểm trước nhân dân chủ tàu, thuyền trưởng các tàu cá không chấp hành việc yêu cầu di chuyển vòng tránh bão.

“Ngoài ra biện pháp xử phạt hành chính phải tăng cường tuyền truyền răn đe, không thể để ngư dân hết lần này đến lần khác không chấp nhập các yêu cầu tránh trú bão, chỉ vì lợi ích nhỏ của bản thân mà ảnh hưởng, gây thiệt hại tới lợi ích quốc gia, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng tìm kiếm cứu nạn”- ông Tiến nhấn mạnh.

Tại cuộc họp sáng nay, ông Tiến cũng nêu câu chuyển hai vợ chồng một đồng chí dân quân tại Quảng Nam cùng tham gia vận chuyển lương thực tiếp tế đồng bào bị cô lập tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Sau đó, người vợ bị xảy thai và cần phải tới 40 người mới đưa ra được bệnh viện huyện để cấp cứu. Đây là những người hết sức trách nhiệm, cần được biểu dương.

Ông Tiến cũng cho rằng trong tình hình này cần đảm bảo an toàn nhất cho lực lượng cứu hộ. Nếu thấy nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ thì cần phải tạm dừng công tác cứu hộ, cứu nạn.

Ông Tiến cũng đánh giá, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị rất vất vả đối phó với thiên tai. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắn 73 triệu lượt tin nhắn cảnh báo bão; các lực lượng sơ tán được 210.000 hộ/755.000 nhân khẩu, huy động hàng chục nghìn người đi tìm kiếm cứu nạn, hàng trăm phương tiện hiện đại, tối tân và đảm bảo được lương thực, bưu phẩm cho trên 3.000 người bị chia cắt. Chúng ta cũng đã đảm bảo được an toàn hồ đập. Thủ tướng chính phủ đã xuất cấp hàng chục tấn lương thực để cứu trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai.

Còn 19 tàu hoạt động trong vùng ảnh hưởng bão số 10

Để phòng chống bão số 10, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với địa phương, các lực lượng thông báo, kiểm đếm 9.884 phương tiện/232.118 người biết diễn biến, hướng di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến sáng 5-11, còn 19 tàu/90 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm, tuy nhiên đây là các tàu hoạt động ở ven bờ và đi về trong ngày,

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng cho biết, các đơn vị BĐBP vẫn giữ được liên lạc với các tàu cá đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng bão số 10. Ảnh: Thanh Vân

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP cho biết, hiện nay hầu hết các phương tiện đang hoạt động trên biển vẫn giữ liên lạc với các Trạm Kiểm soát Biên phòng. Ngư dân trao đổi lại là sóng gió trên biển bình thường. Các đơn vị BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương tới gia đình yêu cầu viết cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng cho biết thêm, hiện các đơn vị BĐBP đang tiếp tục kêu gọi tàu hoạt động ven bờ vào bờ tránh, trú bão. Sáng nay, 5-11, tất cả các phương tiện hoạt động ven bờ của tỉnh Khánh Hòa đã vào bờ. BĐBP sẽ thực hiện nghiêm việc cấm biển của UBND tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời sẽ chủ động hướng dẫn ngư dân sắp xếp neo đậu tàu thuyền, phối hợp với địa phương gia cố, chằng néo lồng bè thủy sản.

Bão số 10 có khả năng suy yếu nhưng sẽ gây mưa lớn

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết 7 giờ sáng, vị trí tâm bão cách tỉnh Quảng Ngãi-Phú Yên 280km với cường độ cấp 8, gió giật cấp 10. Bão đang tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10km/giờ. Khi vào gần bờ, bão sẽ có khả năng cao suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Ông Lâm cảnh báo một đợt mưa lớn sẽ xảy ra tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Vân

“Phía Tây và Tây Bắc của cơn bão có gió giật cấp 8, kèm dông lốc, ven biển có mưa lớn. Cao điểm mưa sẽ là ngày 5 và đêm 5-11. Trọng tâm mưa là Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, sau đó mưa lan xuống Phú Yên, Bắc Tây Nguyên. Đến cuối tuần bão tan, mưa vẫn còn, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng” - ông Lâm cho biết.

Ông Lâm cũng cho biết thêm có một cơn bão mới nhiều khả năng đi vào biển Đông sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở trên biển.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO