Biên phòng - Khu vực miền núi phía Bắc hiện được Nhà nước đầu tư, nâng cấp và xây dựng nhiều tuyến đường to, rộng, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa và giao thông đi lại được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cùng với đó, tình hình tai nạn giao thông lại có chiều hướng gia tăng, đang trở thành vấn đề đáng lo ngại mà các cơ quan chức năng cần vào cuộc. Phóng viên Báo Biên phòng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về thực trạng giao thông ở khu vực miền núi phía Bắc hiện nay.

PV: Xin ông cho biết, thực trạng giao thông ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc hiện nay diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Thái: Tình hình tai nạn giao thông 4 tháng đầu năm 2018 tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra khá phức tạp. Trong 4 tháng đầu năm, khu vực này xảy ra 510 vụ tai nạn, làm 299 người chết, 418 người bị thương. Trong đó, 8/15 tỉnh có số người chết tăng do tai nạn giao thông; 4 tỉnh có số người chết tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2017 là Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng. Qua phân tích cho thấy, tai nạn trên đường giao thông nông thôn ở khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ tai nạn cao nhất là xe gắn máy với xe gắn máy, tiếp đến là xe gắn máy với ô tô và người đi bộ. Ngoài ra, còn một tỷ lệ không nhỏ do phương tiện tự đổ (5%) và đâm vào vật cố định (9%).
Tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực nông thôn miền núi do địa hình dốc, quanh co, đường thiếu biển báo hiệu, phương tiện xe gắn máy chất lượng kém, thậm chí không có phanh vẫn tham gia giao thông. Tai nạn giao thông xảy ra vào buổi chiều và tối chiếm tỷ lệ cao, sau đó đến các khu vực giáp ranh thị trấn, thị tứ và khu đông dân cư. Tai nạn giao thông xảy ra nhiều tại các điểm giao cắt của đường giao thông nông thôn, đường giao thông nông thôn với quốc lộ và tỉnh lộ. Phần lớn tai nạn xảy ra là do người điều khiển phương tiện đi với tốc độ cao lao từ đường phụ ra đường chính, từ ngõ ra đường lớn, tầm nhìn tại điểm giao cắt hạn chế.
PV: Theo ông nguyên nhân nào khiến tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng tại khu vực miền núi phía Bắc hiện nay?
Ông Nguyễn Trọng Thái: Có rất nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng nguyên nhân trực tiếp vẫn là ý thức, kiến thức, kỹ năng của người tham gia giao thông còn hạn chế. Một số vi phạm phổ biến như phóng nhanh, vượt ẩu; vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe; chở quá số người quy định...
Hạ tầng giao thông đường bộ tại các địa phương miền núi dù đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới, nhất là những năm gần đây theo chủ trương xây dựng nông thôn mới đã được cải thiện, môi trường giao thông thuận lợi hơn. Nhưng nhiều tuyến đường còn thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm; hệ thống cọc tiêu, rào chắn để hướng dẫn cho người tham gia giao thông lắp đặt rất hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng họp chợ, dựng xe, biển quảng cáo... lấn chiếm, vi phạm hành lang giao thông còn diễn ra phổ biến.
Ngoài ra, phương tiện tham gia giao thông, nhất là mô tô, xe máy ở miền núi chất lượng kém, cũ nát, không bảo đảm an toàn. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và an toàn giao thông nói riêng còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp, chưa tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số người tử vong ở vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
PV: Trước thực trạng trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có những giải pháp gì để hạn chế tai nạn giao thông? Trong những giải pháp trên, giải pháp nào được xem là mũi nhọn, phù hợp với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số?
Ông Nguyễn Trọng Thái: Trước thực trạng trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tiên là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông, các nguy cơ gây tai nạn và biện pháp phòng tránh tai nạn tại cộng đồng dân cư theo hướng trực quan sinh động, phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của từng vùng miền; tăng cường giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa tai nạn xe máy. Thực hiện đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, chăn, thả gia súc trên lòng và lề đường.

Đặc biệt, đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số, giải pháp mũi nhọn, trọng tâm là việc xây dựng tài liệu và thực hiện tuyên truyền an toàn giao thông bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tập huấn và xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, huy động sự tham gia của nhiều lực lượng như BĐBP, Công an xã, đoàn viên, thanh niên trong hoạt động tuyên truyền, vận động người dân vùng sâu, vùng xa chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông.
Mặt khác, tăng cường điều kiện an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Đặc biệt là giải pháp lắp đặt biển báo, gờ giảm tốc tại các điểm giao cắt. Tăng cường công tác bảo trì, ưu tiên cải tạo các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên hệ thống đường giao thông nông thôn miền núi. Lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông, tăng cường an toàn giao thông tại các giao cắt đường bộ với đường sắt; an toàn tại các bến đò ngang sông.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý vi phạm với việc phát huy vai trò của lực lượng Công an xã và các lực lượng chức năng khác ở địa phương. Tăng cường tổ chức giao thông, xây dựng các bến xe, các điểm đón trả khách; phát triển hệ thống xe buýt công cộng kết nối xã với trung tâm đô thị của tỉnh, thành phố nhằm hạn chế lưu lượng xe mô tô, xe gắn máy lưu hành. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý bảo đảm điều kiện an toàn của các phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa khi tham gia giao thông và đảm bảo công tác sơ cấp cứu tai nạn giao thông.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thùy Trang (thực hiện)