Biên phòng - Những ngày qua, quyết định hoãn đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã nhận được sự hoan nghênh của dư luận xã hội. Người dân đánh giá cao Bộ GD-ĐT đã lắng nghe phản biện xã hội và thể hiện động thái tích cực trước khó khăn của đất nước đang gồng mình chống chọi với thiên tai và ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là bài học về sự cẩn trọng trước các đề xuất chính sách, nhất là lĩnh vực giáo dục có tác động lớn đến an sinh xã hội.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đề nghị gia hạn Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (Nghị định 86).
Theo đó, cùng với đề nghị giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp học, Bộ GD-ĐT xin lùi thời gian trình ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 86 sang năm 2021 để tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội.Dự kiến năm học 2022-2023 mới áp dụng việc tăng học phí và lộ trình tăng thêm hằng năm chỉ khoảng 2,5% so với quy định hiện hành.
Thế nhưng, nhiều cử tri chưa thỏa mãn với lộ trình tăng học phí vì những năm tới, kinh tế đất nước còn đối mặt với nhiều thách thức, Bộ GD-ĐT cần phải tính toán kỹ lưỡng thời điểm ban hành. Đặc biệt, đề xuất quy định khung học phí đối với học sinh cấp tiểu học sẽ mâu thuẫn với Luật Giáo dục 2019 quy định đối tượng học sinh tiểu học công lập được miễn học phí.
Mặt khác, đề xuất tăng học phí đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải tính toán đúng và đầy đủ tất cả các loại chi phí (trả lương, quản lý, phát triển sự nghiệp giáo dục, trang thiết bị, khấu hao tài sản...), trên cơ sở đó mới xác định được giá thành cho một suất đào tạo và đưa ra mức thu học phí cho phù hợp. Cách làm như vậy mới là căn cơ chứ như hiện nay không thể trả lời được mức thu học phí bao nhiêu là phù hợp.
Giải trình những vấn đề trên, Bộ GD-ĐT lập luận: Số thu học phí trong các cơ sở GD-ĐT công lập chỉ chiếm 19,32% trong tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho GD-ĐT công lập. Ở một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì mức trần học phí mầm non, phổ thông vùng thành thị (300.000 đồng/tháng/học sinh) được đánh giá là quá thấp, nên cần xây dựng khung học phí cho các trường đã thực hiện tự đảm bảo chi thường xuyên để nâng cao chất lượng giáo dục.
Do vậy, Bộ GD-ĐT đề xuất cách tiếp cận của nghị định mới là mở rộng mức trần học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông để thực hiện chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học, tiến tới thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Luật Giáo dục 2019 cũng quy định việc hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập ở địa bàn không đủ trường công lập. Nhưng để có cơ sở hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh ngoài công lập và minh bạch ngân sách cấp bù, phải có quy định khung trần học phí. Điều này tiến tới việc Nhà nước cấp ngân sách theo đối tượng thụ hưởng để đóng cho nhà trườnghoặc Nhà nước cấp ngân sách theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Mặt khác, để đảm bảo chính sách an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc, học sinh vùng sâu, vùng xa, Bộ GD-ĐT tiếp tục kế thừa các đối tượng được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đã quy định tại Nghị định 86 hiện hành. Ngoài ra, còn bổ sung một số đối tượng mới.
Thiết nghĩ, mọi chính sách ban hành, dù có thể đúng, nhưng thời điểm không thích hợp cũng khiến cho hiệu quả chính sách bị giảm, thậm chí bị xã hội phản ứng gay gắt. Do vậy, khung học phí tới đây cũng phải bảo đảm hợp lý, phải lắng nghe ý kiến của người dân để có được sự đồng thuận cao nhất.
Thanh Thảo