Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

Cần tỉnh táo với chiếc “bánh vẽ” trong các casino bên kia biên giới

Biên phòng - Nếu như trước đây, có những người Việt Nam phải nhận cái kết đắng khi tìm kiếm cơ hội đổi đời bằng vận “đỏ đen”, thì nay, không ít trường hợp người lao động lại vướng vào cú lừa “việc nhẹ, lương cao” trong các casino tại thị xã Bavet (tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia). Câu chuyện của người trở về từ Bavet sẽ là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người tin vào chiếc “bánh vẽ” trên thế giới ảo của mạng xã hội.

Một sòng bài ở thị xã Bavet. Ảnh: Mạnh Nguyên

Chiếc “bánh vẽ” không tưởng

Dạo quanh trên mạng xã hội tìm việc làm, không khó để thấy những thông tin tuyển dụng nhân viên làm việc tại các casino (sòng bài) ở thị xã Bavet cực kì hấp dẫn, như: Không cần trình độ cũng có thể nhận lương vài chục triệu đồng mỗi tháng. Người lao động có quyền lợi: Thử việc tháng, không có kinh nghiệm lương tháng đầu 23 triệu đồng + chuyên cần + phí sinh hoạt. Có kinh nghiệm thì lương 25 triệu đồng, chuyên cần 2 triệu đồng, 500.000 đồng sinh hoạt. Chiết xuất hoa hồng lên đến 15%, trong khi thời gian làm việc 12-23 giờ, cứ 1,5 giờ thì được nghỉ ngơi ăn uống. Không yêu cầu tiếng Trung, nhưng biết tiếng Trung là một lợi thế. Phúc lợi: Công ty bao ăn, bao ở, cung cấp đồ dùng sinh hoạt hàng ngày (căn hộ 4-6 người), có đầy đủ tiện nghi máy lạnh, máy giặt. Tháng nghỉ 2 ngày, sau 6 tháng, mỗi tháng tăng 1 triệu đồng...

Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người bị mất việc làm nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Cửa khẩu mở cửa trở lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân 2 nước Việt Nam, Campuchia có thể qua lại cũng như thúc đẩy giao thương, tạo công ăn việc làm, nhưng đây cũng là cơ hội để các đối tượng lừa đảo lên mạng “tuyển dụng” người sang Campuchia làm việc tại các sòng bài sát biên giới. Thị xã Bavet vốn được coi là “thiên đường cờ bạc” bởi có rất nhiều casino hoạt động. Những hình ảnh hào nhoáng, những lời mời gọi hứa hẹn về công việc nhẹ nhàng như chiếc “bánh vẽ” thơm ngon đến vô lí, nhưng lại không ít người tin rằng đó là sự thật, để rồi rơi vào chiếc bẫy đã được đối tượng lừa đảo giăng sẵn.

Tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), có thể gặp những người xuất cảnh sang Bavet với mục đích “chuộc” người thân vì vi phạm hợp đồng lao động với các sòng bài. Có trường hợp mang tiền đi thẳng sang Bavet để “chuộc” người, có trường hợp thì trình bày với cán bộ Biên phòng với hi vọng có thể nhận được sự trợ giúp.

Ông Lê Văn N (trú tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ câu chuyện của mình: “Vì dịch Covid-19, con tôi bị thất nghiệp. Trong một lần lên mạng tìm việc làm, nó được giới thiệu sang làm việc tại sòng bài ở Bavet, lương tháng 1.000 USD. Tuy nhiên, sau khi sang đến nơi, kí hợp đồng thì công việc không đúng như đã thỏa thuận. Khi con tôi tìm cách trở về thì bị công ty nhốt lại, yêu cầu phải nộp phạt vì vi phạm hợp đồng. Cực chẳng đã, gia đình tôi phải gom góp tiền rồi mang sang để chuộc con về”.

Sự thật phũ phàng

Thượng tá Vũ Quang Quân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh cho biết, có những thời điểm, trong 1 ngày, đơn vị nhận 5, 6 cuộc gọi giải cứu, bất kể là ngày hay đêm. Thế nhưng, trung bình mỗi tháng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài tiếp nhận 5, 6 vụ với số lượng 16-20 người do Đại sứ quán Việt Nam đề nghị Chính phủ Campuchia giải cứu.

Việc giải cứu gặp rất nhiều khó khăn, bởi liên quan đến pháp luật 2 nước, cần có quy trình thủ tục, thời gian, nhất là khi bản thân người lao động còn không biết rõ địa chỉ cụ thể nên phải có thời gian xác minh, kiểm tra để thông báo cho phía bạn. Đại sứ quán Việt Nam là cơ quan bảo hộ người Việt Nam tại Campuchia tiếp nhận rồi phối hợp với cơ quan chức năng Campuchia để tìm kiếm địa điểm rồi kiểm tra, đối chiếu nhận dạng rồi mới có biện pháp tiếp theo để giải cứu và bàn giao cho cơ quan chức năng Việt Nam.

Công dân làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Mạnh Nguyên

Qua tiếp nhận và tìm hiểu thông tin thì hầu hết các trường hợp kêu cứu đều vi phạm hợp đồng lao động. Khi người lao động sang Campuchia sẽ được kí thỏa thuận lao động với các công ty tuyển dụng. Bởi vậy, khi bỏ ngang công việc sẽ phải đền bù các khoản chi phí phát sinh với số tiền rất lớn, cho nên, dù đại diện chính quyền biết cũng không thể can thiệp được, vì đây là hoạt động kí kết bằng văn bản và chính công dân Việt Nam vi phạm hợp đồng. Trường hợp kêu cứu thường xuyên và liên tục là thế, nhưng việc giải cứu lại cần quy trình về thủ tục, thời gian và nhiều yếu tố khác, bởi vậy, nhiều người vẫn chọn cách mang tiền sang chuộc người thân.

Theo Thượng tá Vũ Quang Quân, khi người dân sử dụng hộ chiếu hợp pháp, BĐBP không thể cản trở xuất cảnh qua Campuchia. Trước tình hình gia tăng người lao động bị lừa khi sang lao động tại các sòng bài, trong quá trình làm thủ tục tại cửa khẩu, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài một mặt hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục, một mặt đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật cho các công dân Việt Nam. Ngoài ra, cán bộ Biên phòng còn tuyên truyền vấn đề lừa đảo lao động bằng những trường hợp cụ thể.

Ví dụ, ngay chính ở Việt Nam, một người học đại học ra trường, lương tháng bình quân chỉ trên dưới 10 triệu đồng, mà lao động làm việc tại đây, dù trình độ không có, chỉ biết máy tính sơ sơ, thậm chí không biết sẽ được đào tạo, lương tháng từ 20-30 triệu đồng là điều không tưởng. Với lối tuyên truyền trực quan, sinh động được đúc rút từ thực tế của cán bộ BĐBP, đã có những người đang làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia đã nhận ra sự thật và quay trở lại Việt Nam.

“Chỉ cần trả lời được câu hỏi: Liệu có công việc nào không cần trình độ mà lương cao? Tại sao cơ hội tốt mà người bản địa lại từ chối, thì sẽ không còn nhiều người sập bẫy lừa nữa” - Thượng tá Vũ Quang Quân nhấn mạnh.

Trúc Hà - Lê Quân

Bình luận

ZALO