Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:02 GMT+7

Cần thu gọn, thích hợp các chính sách dân tộc

Biên phòng - Trong sự nghiệp đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong cả nước, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

5whe_6a
Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La nhận nuôi dưỡng các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để các cháu có điều kiện học tập tốt, xây dựng tương lai. Ảnh: Viết Hà

Thành tựu trong thực hiện chính sách dân tộc

Quyền bình đẳng của các dân tộc được đảm bảo trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội và trước pháp luật; các dân tộc ngày càng hiểu biết tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường, các dân tộc gắn bó bên nhau, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chính sách dân tộc đã ưu tiên đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như: Giao thông, nước cho sinh hoạt và sản xuất, điện, thông tin liên lạc, trạm xá, các thiết chế văn hóa, y tế, trường, lớp học đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn vùng DTTS, miền núi. Đến nay, 98% xã có đường ô tô đến trung tâm, hầu hết các xã có trạm y tế, 100% xã có điện, 94% xã có điện lưới quốc gia, 90% xã được phủ sóng phát thanh - truyền hình, 100% xã có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Sản xuất vùng DTTS, miền núi phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt theo tiêu chí mới năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn khoảng 23,1%.

Sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực cho các DTTS có nhiều tiến bộ, đạt thành tựu to lớn; đã cơ bản xóa mù chữ và phổ cập giáo dục bậc tiểu học, trung học cơ sở; các loại hình trường nội trú, bán trú phát triển, tạo điều kiện cho các DTTS phát triển giáo dục, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Đời sống văn hóa - tinh thần của đồng bào các DTTS ở các vùng, miền có nhiều khởi sắc; các giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp được quan tâm bảo tồn và phát huy.

Trong đó, nổi bật là việc khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức ngày hội văn hóa của các dân tộc, hình thành và bước đầu hoạt động có hiệu quả Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam... Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân vùng DTTS và miền núi được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng và chất lượng dân số; đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách Bảo hiểm y tế theo quy định; mạng lưới y tế ở vùng DTTS ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống chính trị vùng DTTS được củng cố xây dựng toàn diện, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong hệ thống chính trị từng bước được nâng lên về chất lượng và số lượng. Lãnh thổ và chủ quyền quốc gia ở các vùng biên giới được đảm bảo giữ vững. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng DTTS và miền núi cơ bản ổn định. Đồng bào các DTTS đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào Nhà nước và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hạn chế, khó khăn trong vùng DTTS

Tuy nhiên, hiện nay, vùng DTTS, miền núi vẫn là vùng kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Khoảng cách thu nhập và đời sống giữa đồng bào DTTS với mức sống chung của xã hội còn có một khoảng cách. Tỷ lệ tảo hôn DTTS 26,6%, trong đó có 19 dân tộc trên 40%, cao nhất 73%; tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết chữ phổ thông là 20,8%, có 6 dân tộc trên 50%, cao nhất là 65,6%...

Việc đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, ở một số địa phương hiệu quả còn thấp. Chất lượng cơ sở kỹ thuật hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu còn yếu kém bao gồm: Điện, trường - lớp học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng, mạng thông tin truyền thông; giao thông, nước cho sinh hoạt và sản xuất, còn nhiều thôn, bản ở các vùng miền núi phía Bắc và phía Đông dãy Trường Sơn, giao thông đi lại của đồng bào còn nhiều khó khăn...

Thêm vào đó, còn nhiều vấn đề tồn tại như tình trạng đồng bào DTTS di cư tự do; khó khăn về đất ở, đất sản xuất; tội phạm ma túy, mua bán người diễn biến phức tạp. Bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc cũng đang đứng trước nguy cơ mai một và bị đồng hóa...

Những giải pháp đưa vùng DTTS phát triển

Để thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp về lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc, đảm bảo thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế, Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Các bộ, ngành phối hợp rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách dân tộc đã ban hành, đề xuất giải pháp thu gọn, tích hợp hệ thống chính sách dân tộc, tập trung vào các chính sách về quy hoạch dân cư, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, đất sản xuất, đất ở, phát triển vùng... đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành ở vùng DTTS và miền núi.

Mặt khác, đầu tư quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong vùng DTTS và miền núi. Cần kiên định xây dựng các điểm dân cư tập trung có trên 40 hộ trở lên ở các vùng DTTS dễ bị thiên tai đe dọa. Tập trung các giải pháp nhằm giải quyết cơ bản, dứt điểm tình trạng di cư tự do vào các khu rừng tự ý phá rừng, dựng nhà, lập làng; tái du canh dư cư. Kiên quyết đưa tất cả các hộ dân ra khỏi các vùng lõi, vùng trọng điểm bảo vệ của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Đổi mới việc quản lý đất đai và rừng trong vùng đồng bào DTTS, để đảm bảo người dân biết sản xuất và làm giàu từ rừng; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng DTTS và miền núi.

Mặt khác, hỗ trợ các DTTS phát triển sản xuất hàng hóa, hội nhập kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Đẩy mạnh việc dạy nghề và tạo việc làm phi nông nghiệp cho lao động DTTS, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào vùng DTTS và miền núi. Đầu tư giúp các DTTS khắc phục những khó khăn đặc thù, có tính phổ biến ở một hoặc một nhóm vài dân tộc như: Tệ nạn nghiện hút, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, vùng có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, nguy cơ mất văn hóa dân tộc, mất tiếng nói...

Phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực cho các DTTS; chăm lo bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và phát huy vai trò của người có uy tín trong các DTTS trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chăm lo sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong vùng DTTS và miền núi. Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời, xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giống nòi, cản trở phát triển sản xuất... Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nghệ nhân dân gian của các DTTS. Nhà nước cần xác định lại tộc danh cho một số dân tộc (Pa Hy trong Pa Ko, dân tộc Ka Dong trong Xê Đăng...).

 Vũ Dương Châu, Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Bình luận

ZALO