Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Cần thêm quy định bảo vệ trẻ em

Biên phòng - Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nhưng từ đầu năm đến nay, những vụ việc đau lòng vẫn liên tiếp xảy ra.

Dư luận chưa hết phẫn nộ trước vụ bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị hàng xóm Phạm Văn Dũng (sinh năm 1975, trú tại phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa) giết hại rồi xâm hại tình dục vào ngày 18-4, thì lại bàng hoàng bởi bé gái mới 2 tuổi ở Bình Thuận bị “yêu râu xanh” Nguyễn Quốc Lâm (sinh năm 1983, trú tại thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) hiếp dâm...

Con số 1.576 trẻ em bị xâm hại tình dục trong năm 2020 và trong số này có tới 13,2% nạn nhân dưới 6 tuổi thực sự đau xót và nhức nhối đối với người có lương tri và trách nhiệm. Theo nhiều chuyên gia, 97% kẻ xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân, nên nhiều vụ việc không được phát hiện và xử lý vì nạn nhân không tố cáo hoặc có sự thỏa hiệp giữa kẻ phạm tội với gia đình nạn nhân.

Đáng buồn là những tội ác trên diễn ra trong bối cảnh nước ta có đầy đủ hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em, có hơn chục cơ quan chuyên trách bảo vệ trẻ em, có những đường dây nóng chuyên tiếp nhận thông tin trẻ em bị bạo hành, xâm hại.

Cần phải khẳng định, người dân và cộng đồng đã nhận thức đầy đủ hành vi xâm hại tình dục trẻ em, kể cả với hành vi dâm ô, thực sự là một tội ác, đồng thời có những hành động cụ thể bảo vệ trẻ em. Nhiều bản án nghiêm khắc, áp dụng khung hình phạt cao nhất dành cho những kẻ xâm hại tình dục trẻ em đã góp phần ngăn ngừa, kiềm chế tội phạm liên quan đến trẻ em.

Song, việc bảo vệ trẻ vẫn lơi lỏng ở đâu đó vô tình tạo ra “lỗ hổng” đáng tiếc khiến cái xấu và kẻ ác có cơ hội mon men đến gần, gieo rắc đau thương lên những đứa trẻ.

“Lỗ hổng” ấy có thể đến từ mẹ cha với tâm lý chủ quan, mất cảnh giác, có thể đến từ những mái ấm rạn nứt, thiếu hụt yêu thương và sự bảo bọc của người lớn dành cho con trẻ...

Nhưng đáng lo ngại hơn cả là thái độ thiếu trách nhiệm, sự dửng dưng, vô cảm của nhiều người trước những hành vi trái đạo đức, vô nhân đạo đối với trẻ em. Thậm chí, không ít người né tránh, làm ngơ không dám lên án, tố cáo kẻ xấu xâm hại trẻ em...

Thực tế, ngay cả nhiều gia đình người bị hại thường không hợp tác với cơ quan điều tra, do sợ ảnh hưởng đến tâm lý bị hại, danh dự gia đình. Thậm chí, nhiều gia đình nạn nhân rút lại đơn tố cáo, không đưa nạn nhân đi giám định pháp y, gây khó khăn cho quá trình điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em.

Rõ ràng, chúng ta đang nợ trẻ một tuổi thơ an toàn. Bảo vệ trẻ em không thể dừng lại ở khẩu hiệu, hô hào, mà phải biến thành hành động quyết liệt, dứt khoát của mỗi công dân.

Theo nhiều chuyên gia, Nhà nước cần sớm bổ sung, điều chỉnh một số quy định của pháp luật nhằm tăng cường bảo vệ trẻ hơn nữa trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, nhất là xem xét tăng nặng hình phạt đối với một số hành vi để lại hậu quả nghiêm trọng, hành vi đe dọa để nạn nhân không khai báo hoặc làm sai lệch kết quả điều tra; buộc kẻ phạm tội hiếp dâm phải chịu thêm hình phạt tiền, lao động công ích, không được tiếp xúc với trẻ em...

Tuy nhiên, quan trọng nhất là các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và mỗi người dân cần hành động quyết liệt hơn trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, dứt khoát không để trẻ em mất đi tuổi thơ.

Bên cạnh đó, gia đình, cộng đồng và nhà trường cần có nhiều cách thức bảo vệ trẻ, dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ, tránh xa các mối nguy hại; tăng cường giám sát, lắng nghe trẻ để kịp thời phòng ngừa, tố giác các nguy cơ xâm hại và kiên quyết xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO