Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:16 GMT+7

Cần thêm những chính sách hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp bền vững

Biên phòng - Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển bền vững ngành nông nghiệp, đặc biệt từ Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển “tam nông” đã tạo nên một diện mạo mới cả về chất và lượng cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các chính sách cũ đã không còn phù hợp trong tình hình mới, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, gắn liền với an sinh xã hội của người nông dân để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Chính sách hỗ trợ người dân để phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn hiện nay còn thiếu và yếu. Ảnh: Thúy Hồng

Đối diện nhiều khó khăn

Sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị quyết “tam nông” đã khẳng định được vị trí của ngành nông nghiệp Việt Nam khi luôn duy trì ở mức tăng trưởng trung bình khoảng 3,5%/năm, tăng trưởng cao ở khu vực châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Đặc biệt, trước biến động phức tạp của dịch bệnh và những bất ổn của thế giới, nông nghiệp đã trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều ngành hàng nông sản của Việt Nam hiện vẫn còn dựa vào lao động giản đơn; quy mô sản xuất nhỏ thiếu liên kết; xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp và lợi ích thu được không cao, người nông dân luôn phải đối diện với tình trạng được mùa, mất giá, nông sản không thể tiêu thụ...

Từ trước đến nay, dù Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển ngành nông nghiệp nhưng chủ yếu là những chính sách nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ cho nông nghiệp và cả chính sách về giống... Còn các chính sách xoay quanh việc hỗ trợ trực tiếp cho công tác sản xuất nông nghiệp và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp còn thiếu và yếu. Điển hình, như từ năm 2020, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, dù đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, nhưng cơ chế, chính sách hỗ trợ được cho là vẫn còn chậm và thấp, người dân chăn nuôi vẫn phải chịu thiệt hại rất nặng nề.

Đơn cử, gia đình anh Trần Đình Trưởng, bản Tân Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, trước đây là một trong những hộ của bản nuôi lợn thương phẩm theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, anh xuất bán gần 15 tấn lợn thương phẩm. Năm 2020, dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến đàn lợn nái và 20 con lợn thịt bị tiêu hủy, gia đình anh thiệt hại nặng nề. Với mức hỗ trợ theo quy định là 30.000 đồng/kg, giá lợn giống cao, không đủ kinh phí để tái đàn.

Hay như đối với các mặt hàng nông sản như thanh long, chuối, dứa..., không có thương lái thu mua do không thể xuất khẩu thì người nông dân vẫn phải gánh chịu thiệt hại. Hiện, vẫn còn rất thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Thiệt hại trong sản xuất đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của các nông hộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, mặc dù đã có những chính sách hướng trực tiếp tới người nông dân, nhưng hiện nay, những chính sách trực tiếp hỗ trợ nông dân vẫn còn rất thiếu. Người nông dân vẫn là đối tượng mà chúng ta phải tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ giúp họ duy trì sản xuất một cách bền vững.

Cần xây dựng chính sách lấy nông dân là chủ thể

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp cho rằng, đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta còn nhiều vấn đề đang đặt ra, nhất là trong bối cảnh chung mới của hội nhập toàn cầu, những biến động của kinh tế - chính trị trên thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chiến lược mang tầm vĩ mô để phát triển bền vững. Người nông dân, ngoài việc là lực lượng trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, còn là những người bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống nông thôn, những người làm nên thành tựu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua.

“Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn, chất lượng và năng suất. Cần phải nghiên cứu để cho ra đời những chính sách mở rộng sản xuất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Qua đó, có thể hoàn thiện và xây dựng những cánh đồng lớn, những vùng nguyên liệu lớn” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Trước yêu cầu và áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu cấp thiết của thị trường, những chính sách hỗ trợ người nông dân hiện đang còn nhiều vướng mắc. Câu hỏi được đặt ra là, đối với ngành nông nghiệp: Nếu muốn người nông dân tiếp tục sản xuất thì cần có chính sách hỗ trợ như thế nào? Ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ đang có xu hướng phát triển mạnh ở nông thôn, vậy thì cần đòi hỏi chính sách như thế nào? Hay việc người nông dân đang có xu hướng dịch chuyển lao động sang các khu công nghiệp và đô thị, thì chính sách nào sẽ hỗ trợ họ?

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện nay, ngành nông nghiệp đang tồn tại 2 vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, nhất là việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản và vấn đề xây dựng được các vùng nguyên liệu.

Rõ ràng, người nông dân đã tích cực đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Yêu cầu cấp thiết được đặt ra là cần có chính sách toàn diện để phát triển ngành nông nghiệp, nông dân trong tình hình mới. Người nông dân phải là đối tượng được quan tâm để có những chính sách hỗ trợ duy trì sản xuất bền vững, gắn với xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Thúy Hồng

Bình luận

ZALO