Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Cần thêm giải pháp quyết liệt

Biên phòng - Sau đợt kiểm tra lần 2 vào đầu tháng 11-2019, đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (đoàn Thanh tra EC) đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý toàn diện chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), phù hợp với quốc tế. Nhưng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam vẫn còn đó.

viphamiuu
Ảnh: Minh họa

Thực tế, hơn 2 năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện các khuyến nghị của EC. Thể hiện rõ qua việc Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật đang đi vào cuộc sống. Công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. 

Cùng với việc “đóng băng” đội tàu khai thác xa bờ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản xa bờ cho 28 tỉnh, thành ven biển để quản lý cường lực khai thác. Mặt khác, các địa phương đã nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS) và thực hiện đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC để kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển. 

Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra EC đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc khai thác thủy sản của Việt Nam, đặc biệt quan ngại về quy mô đội tàu lớn, việc giám sát tàu cá chưa toàn diện và tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đoàn Thanh tra EC khẳng định chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì EC sẽ không thu hồi “thẻ vàng”. 

Rõ ràng, ngành thủy sản Việt Nam vẫn trong giai đoạn khó khăn khi chuyển đổi phương thức quản lý sang hướng công khai và minh bạch. Thực hiện các quy định liên quan về kiểm soát, giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, đại đa số ngư dân đã thay đổi nhận thức, nhưng một số chủ tàu vẫn theo nếp cũ.

Bên cạnh đó, lượng tàu cá của Việt Nam lớn với hàng triệu lao động liên quan đến nghề khai thác thủy sản. Hoạt động của các tàu cá đôi khi "bắt chéo" giữa các địa phương với nhau, nên để đảm bảo tính chính xác tuyệt đối về thông tin là vô cùng khó khăn.

Đáng lo ngại là từ thời điểm EC cảnh báo “thẻ vàng” (ngày 23-10-2017) đến nay, tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn chưa chấm dứt. Tổng cục Thủy sản cho biết, 10 tháng của năm 2019, đã xảy ra 113 vụ/187 tàu/877 ngư dân nước ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân do việc chậm trễ trong khâu phê duyệt cấp kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng giám sát nghề cá, dẫn đến việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình quá chậm. Đến ngày 30-9-2019, mới có 1.733/2.618 (66,19%) tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có kết nối với vệ tinh. Trong khi quy định đặt ra đến ngày 1-7-2019, 100% tàu cá thuộc diện trên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. 

Theo lộ trình, giữa năm 2020, Đoàn Thanh tra EC sẽ kiểm tra và quyết định có hay không gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài.

Muốn vậy, các cơ quan chức năng phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý các tàu cá xuất bến không đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang bị thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị an toàn hàng hải, thiết bị giám sát hành trình. Đặc biệt là công tác hiệp đồng giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO