Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Cần thay đổi cách tiếp cận và xây dựng chính sách dân tộc

Biên phòng - Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chương trình, chính sách phát triển dân tộc thiểu số (DTTS), vùng DTTS và miền núi. Các chính sách dân tộc (CSDT) đã góp phần làm thay đổi rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào theo hướng phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, các CSDT còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi cần thay đổi cách tiếp cận và xây dựng.

lcxn_10a
Một số loại máy móc nông nghiệp đã hiện diện trong lao động sản xuất của đồng bào DTTS. Ảnh: Bích Nguyên

Chính sách còn chồng chéo, thiếu  tính chiến lược

Theo Ủy ban Dân tộc, hiện có 94 CSDT được thể chế hóa qua 152 văn bản đang có hiệu lực thi hành theo 20 nhóm lĩnh vực. Nội dung, hệ thống chính sách thực hiện khá toàn diện, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Đối tượng, hệ thống chính sách bao phủ cả địa bàn, khu vực đến hộ gia đình và một số dân tộc cụ thể. Nhờ vậy, diện mạo vùng DTTS và miền núi đã có những thay đổi căn bản, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, các CSDT cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Đó là lúng túng trong xử lý mối quan hệ giữa chính sách phát triển dân tộc, tộc người với chính sách phát triển vùng. Thiếu tính chiến lược và có sự chồng chéo trong việc xây dựng chính sách. Có tới 22 quyết định, nghị định của Chính phủ có nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất vùng DTTS, 11 quyết định, nghị định có nội dung hỗ trợ đất ở; 25 quyết định, nghị định có trợ cấp, phụ cấp thu hút... Cụ thể hơn, giữa các chính sách và chương trình giảm nghèo có sự trùng lắp về nội dung hỗ trợ, địa bàn và đối tượng thụ hưởng. Đối chiếu Chương trình 135 với Nghị quyết 30a cho thấy, có đến 80% số xã của huyện 30a là xã thuộc Chương trình 135; có 46% số xã trong Chương trình 135 thuộc Nghị quyết 30a.

Bên cạnh đó, các CSDT thường được thiết kế theo phương thức “một can thiệp phù hợp cho tất cả”, trong khi đặc điểm mỗi vùng miền, địa phương, dân tộc là rất khác biệt. Ngoài ra, hầu hết các chính sách thời gian qua đều có một điểm chung là hỗ trợ mang tính “cho không” mà không theo hướng “có điều kiện”, nghĩa là người dân phải có trách nhiệm như thế nào khi thụ hưởng chính sách của Nhà nước. Đây là vấn đề trong suốt thời gian qua, chính sách giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa tiếp cận đúng. Điều đó cũng dẫn tới tình trạng người dân trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước và chính sách không tạo ra động lực phát triển.

Một số chính sách xây dựng không theo cách tiếp cận từ dưới lên dẫn đến mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, định mức chính sách thiếu thực tế. Chính sách vừa mới ban hành chưa triển khai thực hiện đã phải bổ sung, chỉnh sửa. Có thể lấy Quyết định 134/2004/QĐ-TTg làm ví dụ điển hình. Chính sách được ban hành trong khi thực tế nhiều địa phương không còn quỹ đất và giá đất nông nghiệp cao hơn rất nhiều so với định mức chính sách đưa ra. Do đó, chính sách mới ban hành đã phải bổ sung, chỉnh sửa ngay sau đó.

Việc tổ chức thực hiện các CSDT cũng bộc lộ nhiều hạn chế như chậm ban hành hướng dẫn thực hiện; nhiều chính sách không được bố trí đủ nguồn lực hoặc nguồn lực phân tán, chồng chéo. Theo Viện Nghiên cứu phát triển Mê Công, trong vài năm gần đây, các huyện 30a thường chỉ nhận được khoảng 10-15% nguồn lực so với dự kiến ban đầu để giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Ngay cả Chương trình 135 cũng không được cấp vốn đủ. Thực tế, định mức vốn cấp cho Chương trình năm 2014 đã không tăng 1,5 lần như trong Quyết định 551/QĐ-TTg.

Cần luật hóa vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc

Để CSDT phát huy hiệu quả, Viện Nghiên cứu phát triển Mê Công cho rằng cần phải nhanh chóng luật hóa vấn đề liên quan đến DTTS và CSDT trong hệ thống pháp luật Việt Nam theo hai hướng: Thứ nhất là ban hành luật riêng nhằm điều chỉnh tất cả các mối quan hệ liên quan đến DTTS, CSDT tạo hành lang pháp lý quan trọng cho phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Hướng thứ hai là tiến hành rà soát lại tất cả các luật để bổ sung, chỉnh sửa các nội dung còn thiếu, chưa phù hợp trong từng luật chuyên ngành với vấn đề phát triển các DTTS và vùng miền núi.

Quốc hội và Chính phủ cần nhanh chóng phối hợp để cụ thể hóa Khoản 5 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 quy định “Quốc hội quyết định CSDT”, theo hướng, Quốc hội quyết định các chỉ tiêu phát triển các DTTS trong kế hoạch hằng năm, 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm của đất nước; quyết định các CSDT lớn, có phạm vi ảnh hưởng trên toàn quốc gia, có ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ lớn cũng như ngân sách thực hiện CSDT; danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam; thực hiện giám sát tối cao đối với quá trình tổ chức thực hiện CSDT.

Một điều quan trọng nữa là cần phải xác định rõ mối quan hệ, phạm vi, nội dung chính sách vùng, chính sách cộng đồng và hộ chung của quốc gia, với chính sách cho vùng DTTS và miền núi, chính sách cho cộng đồng, hộ DTTS để tránh chồng lấn chính sách.

Theo Viện Nghiên cứu Mê Công, trong xây dựng chính sách cần chú ý: Phải có 1 cơ quan được trao quyền đủ lớn để kết nối các chính sách giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến dân tộc và vùng DTTS và miền núi tạo ra động lực tổng thể toàn diện và sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả. Trong bối cảnh năng lực và điều kiện xây dựng CSDT hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, Chính phủ nên cho phép cơ chế “thí điểm CSDT” để từ đó có đánh giá, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện chính sách trước khi phổ rộng ra toàn quốc. Trong thời gian tới, Chính phủ nên chú ý đến việc ưu tiên thực hiện theo hướng dự án kết hợp tổng thể đa mục tiêu phát triển đối với khu vực DTTS, như vậy sẽ hiệu quả hơn so với việc triển khai các chương trình, chính sách riêng lẻ như hiện nay. Cần nhanh chóng thực hiện việc rà soát cơ chế phân cấp, nhất là phân cấp về ngân sách giữa cấp Trung ương và cấp tỉnh.

Nên thực hiện cơ chế Trung ương chỉ ban hành chính sách khung gắn với mục tiêu cụ thể cần đạt được; phân cấp cho địa phương tổ chức thực hiện chính sách để phát huy tính chủ động, sáng tạo và phù hợp, hiệu quả của các chính sách. Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát theo mục tiêu chính sách đã đề ra. Hoàn thiện và thể chế hóa các cơ chế về trao quyền gắn với trách nhiệm giải trình; thực hiện trao quyền cho cộng đồng thực hiện một số nội dung, hạng mục chính sách, dự án.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO