Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 02:45 GMT+7

Cần tập trung xây dựng BĐBP thành Quân chủng Biên phòng

Biên phòng - Là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của vùng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có đường biên giới dài 90km tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia). Khu vực biên giới tỉnh Gia Lai có 50 thôn, làng thuộc 7 xã, 3 huyện biên giới, với tổng dân số khoảng hơn 45.000 người thuộc nhiều dân tộc anh em sinh sống.

6ni3_6a6
Đồng chí Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho hai tập thể BĐBP Gia Lai đạt thành tích xuất sắc trong công tác biên phòng năm 2017. Ảnh: T.K.N

Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã có nhiều chủ trương, giải pháp kêu gọi, thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng biên giới. Tuy nhiên, so với khu vực nội địa, trình độ dân trí, đời sống của một bộ phận người dân ở khu vực biên giới còn gặp khó khăn, rất dễ bị các phần tử xấu lợi dụng gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội (TTATXH).

Mặc khác trên tuyến biên giới, hoạt động của các loại tội phạm xuyên quốc gia, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm lâm luật, vi phạm quy chế biên giới có thời điểm diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, đường biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang trong quá trình hoạch định, phân giới cắm mốc nên công tác đối ngoại biên phòng cũng rất cần sự quan tâm.

Thực hiện Pháp lệnh BĐBP, 20 năm qua, BĐBP Gia Lai luôn tích cực chủ động phối hợp với các lực lượng Quân sự, Công an, Dân quân tự vệ và huy động nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, bảo vệ an toàn hệ thống đường biên, cột mốc. Đồng thời, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới và chính quyền địa phương của Campuchia trong trao đổi tình hình, thống nhất giải quyết các vấn đề xảy ra hai bên biên giới trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển theo đúng văn bản pháp lý hai nước đã ký kết và luật pháp của mỗi nước; thúc đẩy tiến trình phân giới cắm mốc.

BĐBP tỉnh  luôn nắm chắc tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch và các loại đối tượng để triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp công tác; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra chủ trương, đối sách trong đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Sau sự kiện gây rối trên địa bàn Tây Nguyên vào các năm 2001 và 2004, vấn đề người DTTS vượt biên sang Campuchia và nhem nhóm hoạt động “Tin lành Đề-ga” diễn biến hết sức phức tạp. Để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động này, BĐBP tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong công tác nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời thông tin; một mặt, triển khai đấu tranh ngăn chặn thông qua các chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ; mặt khác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đề ra những chủ trương đối sách phù hợp, xử lý hiệu quả trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ; ngăn chặn, xử lý, vô hiệu hóa nhiều đối tượng. Trên lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại..., BĐBP thực sự là “quả đấm thép” trên biên giới, khẳng định được vai trò chủ công trong bảo vệ trật tự trị an địa bàn.

Trong công tác dân vận, xây dựng địa bàn, tham gia phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới, BĐBP là lực lượng gần dân, hiểu dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, trở thành nhịp cầu bền vững để kết nối, thắt thặt “ý Đảng, lòng dân, tình quân”. Bên cạnh giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với biết bao hình ảnh đẹp về người thầy giáo, thầy thuốc, chiến sĩ văn hóa, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm mang quân hàm xanh, BĐBP còn là “điểm tựa” vững chắc của cấp ủy, chính quyền cơ sở, thông qua các mô hình như cán bộ tăng cường xã, đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng biên giới...

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các chương trình phối hợp và quy chế phối hợp giữa BĐBP Gia Lai với các ngành, các lực lượng đứng chân trên địa bàn, nhất là với lực lượng Quân sự, Công an trong triển khai thực hiện Nghị định 77 của Chính phủ, vừa bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH, vừa đấu tranh phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và tham gia xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Trên lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, BĐBP Gia Lai đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên trách kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu chính và các lối mở trên biên giới, đáp ứng nhu cầu thông thương, thăm thân và hỗ trợ đắc lực cho tỉnh nhà trong chiến lược mở rộng giao lưu, hợp tác, phát triển với các địa phương ở phía đối diện. Công tác cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát xuất nhập cảnh của BĐBP cũng được tích cực đẩy mạnh, vừa bảo đảm thông thoáng, vừa quản lý chặt chẽ theo đúng với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân qua lại biên giới làm ăn, thăm thân hợp pháp.

Trên cơ sở quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và địa phương, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại quân sự và đối ngoại biên phòng. Với nhiều hoạt động đa dạng phong phú như kết nghĩa giữa các khu dân cư và đơn vị hai bên biên giới, tuần tra song phương, hội đàm thường niên và đột xuất, phối hợp phân giới cắm mốc, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân Campuchia... đã tích cực góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác cùng phát triển giữa tỉnh Gia Lai với tỉnh Rát-ta-na-ki-ri.

w7sb_6c6
BĐBP Gia Lai trao tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: CTV

Có thể nói, quá trình thực hiện nhiệm vụ của BĐBP trong những năm qua cho thấy đây là lực lượng đủ sức hoàn thành những trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó như đã nêu trong Pháp lệnh BĐBP (năm 1997). Tuy nhiên, để lực lượng BĐBP ngày càng vững mạnh, sau khi tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP, cần tập trung thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về quốc phòng- an ninh, tạo cơ sở pháp lý để BĐBP nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và TTATXH ở khu vực biên giới, vùng biển.

Cùng với đó, cần nghiên cứu, xây dựng BĐBP thành Quân chủng Biên phòng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, vững mạnh, từng bước hiện đại. Ưu tiên mọi nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; giữ vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động và mối quan hệ phối hợp của BĐBP như hiện nay.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP; nghiên cứu xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho BĐBP và các cơ quan chức năng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Thể chế hóa các chế độ chính sách cho BĐBP, chính sách hậu phương đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP; đầu tư phương tiện, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật cho BĐBP để đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

Võ Ngọc Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai)

Bình luận

ZALO