Biên phòng - Theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là QĐ 861), các xã khu vực III, khu vực II khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) sẽ được xác định là xã khu vực I. Theo đó, các xã này không còn thụ hưởng các chính sách đối với thôn, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Điều này ít nhiều sẽ tác động đến quá trình bảo vệ các tiêu chí xây dựng NTM, cũng như việc xây NTM nâng cao. Tuy nhiên, chính quyền và người dân cần xác định tâm thế mới trong việc phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn này.

Đối diện khó khăn
Đạt tiêu chí NTM năm 2017, nhưng suốt 4 năm nay, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vẫn nợ 2 tiêu chí là xây dựng nhà văn hóa và nhà ở dân cư. Như vậy, việc giữ vững danh hiệu NTM của Thanh Xương vốn đã gặp khó khăn, nay còn gặp vất vả hơn. Cụ thể theo QĐ 861, xã Thanh Xương sẽ chuyển từ xã vùng II sang xã vùng I (xã đã về đích NTM). Do đó, thời gian tới, xã sẽ không được hưởng nhiều chính sách vùng II. Việc này sẽ ảnh hưởng tới tiêu chí bảo hiểm y tế (BHYT), thu nhập, giảm nghèo... Thế nhưng, những khó khăn này không làm nản lòng đồng bào các dân tộc nơi đây.
Trên thực tiễn, QĐ 861 bước đầu sẽ tác động đến tâm lý của đồng bào vùng DTTS ở những địa bàn vốn có điều kiện tự nhiên khó khăn, điểm xuất phát kinh tế-xã hội thấp. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì sự thay đổi này là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, giai đoạn trước đây, vùng đồng bào DTTS cũng đã được hỗ trợ nhiều nguồn lực về vật chất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương cho biết, xã hiện nay có 22 thôn, bản, với 57% là người DTTS sinh sống (trong đó, chủ yếu là dân tộc Thái, Khơ Mú). Theo QĐ 861, xã Thanh Xương sẽ không còn là xã khó khăn do đã về đích NTM. Việc không còn thụ hưởng một số chính sách dân tộc khó khăn sẽ có những ảnh hưởng tới quá trình giữ vững NTM của xã. Tuy nhiên, chính quyền và người dân nơi đây xác định, khó khăn trên chỉ là trước mắt. Về lâu dài, chính quyền sẽ tiếp tục khích lệ người dân vượt mọi khó khăn phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, xã Thanh Xương đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, toàn xã có trên 80% số thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu và xã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trong khi các xã vùng DTTS và miền núi về đích NTM, thể hiện quyết tâm giữ vững danh hiệu, thì nhiều xã sắp về đích NTM, tuy còn chút lo lắng, song vẫn thể hiện sự quyết tâm. Bà Đinh Thị Hồng Loan, Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, xã đang được hưởng các chế độ chính sách về an sinh xã hội của vùng đồng bào DTTS và xã 135. Tuy nhiên, theo tiến trình thì cuối năm 2021, Châu Quế Thượng về đích NTM và với QĐ 861 thì những hỗ trợ sẽ không còn nữa. Trước mắt, một số người dân không khỏi băn khoăn khi lựa chọn về đích NTM.
Tuy nhiên, bà Đinh Thị Hồng Loan khẳng định: “Mặc dù Châu Quế Thượng còn nhiều khó khăn, nhưng so với mặt bằng chung của cả nước, chúng tôi nhận thấy nhiều nơi, bà con các DTTS còn thiếu thốn hơn. Do đó, toàn thể chính quyền, nhân dân xã Châu Quế Thượng sẽ quyết tâm phấn đấu để về đích NTM và sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, sẻ chia nguồn lực với những vùng còn khó khăn hơn”.
Không chỉ động viên tinh thần, hiện, một số xã vùng dân tộc và miền núi đã có những chính sách linh hoạt để tạo điều kiện cho các xã đảm bảo được tiêu chí xây dựng NTM. Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho biết, xã Phong Quang hiện có 6 thôn, bản, thì có tới 5 thôn vùng III (theo QĐ 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021). Tuy nhiên, theo QĐ 861, sau khi xã Phong Quang về đích NTM, các thôn này sẽ không được hưởng các chế độ vùng II, vùng III. Theo đó, người dân sẽ không được hưởng thụ nhiều chính sách y tế, giáo dục, hỗ trợ sản xuất. Nhất là theo quyết định này, 110 hộ trên địa bàn sẽ không được tiếp tục hỗ trợ chương trình vay vốn sản xuất - kinh doanh, tương ứng số kinh phí là trên 4,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để giúp người dân dần thích ứng với chính sách giai đoạn mới, chính quyền địa phương đã linh hoạt áp dụng các biện pháp đặc thù. Cụ thể, tại xã Phong Quang vẫn được hưởng chế độ theo Nghị quyết 27/2020 của HĐND tỉnh Hà Giang về việc hỗ trợ lao động, dạy nghề. Chính sách này không bị ảnh hưởng bởi chính sách phân biệt khu vực và sẽ là bước chuyển để người dân dần thích ứng, tự lực, tự cường trong giai đoạn mới.
Cần sự linh hoạt
Sự phân loại địa bàn đầu tư là để tránh chồng lấn giữa các chương trình. Theo dự kiến, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tập trung đầu tư ở các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo QĐ 861. Trong đó, nguồn lực của chương trình sẽ tập trung đầu tư ở các địa bàn ?lõi nghèo? của vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, nếu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM không đầu tư tại 70 huyện nghèo và 200 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển thì chắc hẳn, các địa bàn này sẽ rất chật vật để “cán đích” NTM.
Giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đặc biệt khó khăn khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước), trong đó, cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 4,4%...
Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực. Một số địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hình thành được vùng sản xuất quy mô tập trung. Đến tháng 11-2020, trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng ĐBKK đã có trên 1 nghìn sản phẩm OCOP (chiếm 50,8% của cả nước).
Những con số nêu trên là minh chứng rõ nét nhất cho thấy, trong giai đoạn tiếp theo, nhiều vùng DTTS và miền núi đã đạt NTM không còn sự hỗ trợ theo chính sách khu vực II, khu vực III, nhưng họ vẫn có thể tự lực, tự cường phát triển.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ở vùng DTTS và miền núi không thể cứng nhắc, mà cần có sự linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, giai đoạn cụ thể. Vì vậy, các địa phương cũng cần xem xét, áp dụng các biện pháp trợ lực cần thiết để người dân thoát nghèo và xây dựng NTM bền vững.
Minh Anh