Biên phòng - Những năm qua, tình trạng buôn bán người ngày càng diễn biến phức tạp, không ít vụ việc bị cơ quan chức năng phanh phui, nhiều đối tượng đã phát trả giá đắt. Tuy nhiên, thực tế tình trạng buôn bán người vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 400 vụ mua bán người, trong đó tỷ lệ trẻ em, phụ nữ từ độ tuổi 15 – 30 tuổi chiếm trên 90%.

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta có những diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ gia tăng, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến hết năm 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người.
Qua điều tra, rà soát cho thấy trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em; trên 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm; 37,2% không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên. Các nạn nhân chủ yếu là đưa ra nước ngoài bán (chiếm trên 80%), trong đó mua bán sang Trung Quốc chiếm trên 75%, còn lại bán sang các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan và các nước khác.
Các đối tượng buôn bán người thường có thể là người lạ, người quen, bạn bè, thậm chí cả người thân. Chúng tìm đến các bản, làng, nơi điều kiện kinh tế và việc làm khó khăn, thu nhập thấp để dụ dỗ, rủ rê. Thủ đoạn là của chúng là hứa hẹn giới thiệu những công việc nhàn hạ, thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, rủ đi làm ăn gần khu vực biên giới, lấy chồng giàu có. Đặc biệt, thời gian gần đây, thủ đoạn của các đối tượng trở nên tinh vi hơn, chúng làm quen qua mạng, giả vờ yêu đương rồi rủ rê lên các tỉnh biên giới chơi, mua sắm đồ rồi lừa bán. Thông qua mạng Internet, mạng điện thoại di động để lừa thanh niên “nghiện game” bán ra nước ngoài hoặc bán cho các nhà nghỉ, khách sạn…
Những năm qua, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận hàng ngàn nạn nhân bị bán qua biên giới. Các nạn nhân khi bị lừa đưa sang đến bên kia biên giới chủ yếu bị ép làm gái bán dâm, bị bóc lột sức lao động, hành hạ đánh đập tàn nhẫn hoặc một số khác may mắn hơn thì được mua về làm vợ người khác nhưng luôn sống trong cảnh bị kiểm soát và mất quyền tự do, quyền con người.
Để đấu tranh phòng ngừa tội phạm mua bán người, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có đề cập đến vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người. Các văn bản này đã tạo dựng một khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người.
Tuy nhiên, công tác phòng chống tội phạm buôn bán người vẫn đối mặt nhiều thách thức như trình độ dân trí ở nhiều vùng còn thấp hay việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn đối với tội phạm mua bán người.
Thông thường, rất ít các trường hợp mua bán người bị bắt quả tang, chỉ khi bị hại trốn về trình báo thì đối tượng mới bị triệu tập điều tra. Việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại cũng như lời khai nhận của đối tượng, chính vì vậy rất khó chứng minh hành vi phạm tội nếu đối tượng không thừa nhận.
Đối với những vụ án mua bán người có đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân hoặc nạn nhân chưa tố giác thì việc phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hầu như không được thực hiện, đồng nghĩa với việc đối tượng phạm tội không được xử lý.
Để góp phần ngăn chặn tệ nạn buôn người, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là làm tốt công tác tuyên truyền đến những người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật. Và điều quan trọng hơn nữa, để đẩy lùi tệ nạn buôn bán người rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Khánh Chi