Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 09:58 GMT+7

Cần sửa đổi luật để ngăn chặn “cát tặc”

Biên phòng - Thời gian gần đây, tình hình khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hết sức phức tạp. Mặc dù lực lượng Biên phòng cùng các ngành chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng chục vụ vi phạm, tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Để làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh ngăn chặn “cát tặc”, phóng viên báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Hồ Chí Minh.

7jvg_19a
Đại tá Tô Danh Út. Ảnh: Nguyễn Đức Thắng 

- Đề nghị đồng chí cho biết thực trạng hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn đơn vị phụ trách? 

- Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận, nhu cầu sử dụng cát xây dựng, cát san lấp rất lớn, nguồn cung cấp từ các mỏ cát được cấp phép không đủ đáp ứng. Do vậy các đối tượng sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn tinh vi, có hành vi manh động để khai thác cát trái phép. 

Trên địa bàn BĐBP thành phố quản lý, hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép diễn biến rất phức tạp; tập trung tại khu vực sông Đồng Tranh thuộc xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ; khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ (giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); khu vực sông Đồng Nai tại địa bàn quận 9 (giáp ranh với tỉnh Đồng Nai). 

Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng hợp đồng khai thác, mua bán, vận chuyển cát từ các mỏ cát ở các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre... cho phương tiện chạy qua khu vực biển Cần Giờ để khai thác cát trái phép. Nếu bị bắt quả tang, chúng sử dụng hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, vận chuyển cát có sẵn để hợp thức hóa nhằm đối phó với sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

- Trước thực trạng đó, đơn vị đã có những giải pháp đấu tranh như thế nào? Kết quả đạt được ra sao, thưa đồng chí?

- Chúng tôi đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản và chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường công tác đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn. Đảng ủy kịp thời đưa nội dung trên vào nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đề ra các chủ trương, giải pháp thực hiện có hiệu quả. 

Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện tiến hành các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, truy quét, đấu tranh với các hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, tích cực cùng các lực lượng chức năng đấu tranh, tố giác các hành vi khai thác cát trái phép trên địa bàn. 

Kết quả, từ tháng 1-2019 đến nay, đơn vị phát hiện, bắt giữ 29 vụ với 43 đương sự và 43 phương tiện có hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép; xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) với tổng số tiền trên 706 triệu đồng.

- Từ thực tiễn đấu tranh, xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép, đồng chí nhận thấy có những khó khăn, vướng mắc gì? 

- Có thể nói, hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép chủ yếu diễn ra vào ban đêm, lợi dụng sự bất lợi về thời tiết trên biển; chúng cử lực lượng cảnh giới, theo dõi lực lượng chức năng tại các khu vực bến, bãi, rồi thông báo cho các đối tượng, phương tiện lẩn trốn vào các kênh rạch hoặc di chuyển qua các địa bàn tiếp giáp với các tỉnh.

Khi bị phát hiện, các đối tượng rất liều lĩnh, sẵn sàng có những hành vi chống đối lực lượng chức năng hoặc đánh chìm phương tiện, tang vật vi phạm để trốn tránh trách nhiệm và bỏ trốn. Cùng một phương tiện, chúng sử dụng nhiều đối tượng khác nhau để khai thác cát trái phép nhằm đối phó với hành vi tái phạm (thực chất là dùng thủ đoạn để lách luật). Các đối tượng vi phạm là người làm thuê hoặc thường sử dụng phương tiện thuê của người khác, gây khó khăn cho việc xử lý. Mặt khác, các đối tượng, phương tiện vi phạm không cư trú, neo đậu tại các bến bãi do BĐBP thành phố quản lý, vì vậy, chúng tôi gặp khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào hoạt động. 

Về mặt pháp lý, hiện nay, Luật Xử lý VPHC quy định chỉ tịch thu phương tiện khi người vi phạm là chủ sở hữu phương tiện và vi phạm do lỗi cố ý; Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, quy định mức phạt VPHC đối với hành vi khai thác cát trái phép quá thấp, không đủ sức răn đe. Đối với những người chiếm đoạt, sử dụng phương tiện trái phép để vi phạm thì phải đóng một số tiền tương ứng với giá trị của phương tiện, đây là nội dung rất khó thực hiện trong thực tế xử lý VPHC vì đối tượng là người làm thuê, không có khả năng thực hiện nộp phạt và phương tiện vẫn phải trả lại cho chủ sở hữu.

348d_19b
Phương tiện khai thác cát trái phép bị BĐBP TP Hồ Chí Minh tạm giữ. Ảnh: Nguyễn Đức Thắng 

- Vậy, theo đồng chí, cần sửa đổi các quy định của pháp luật như thế nào để có thể ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với “cát tặc”?

- Theo chúng tôi, cần sửa đổi Luật Xử lý VPHC theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm trong trường hợp phương tiện đó đã bị xử phạt VPHC nhưng tiếp tục tái phạm (kể cả phương tiện cho thuê mướn) nhằm gắn trách nhiệm của các chủ sở hữu trong việc cho thuê phương tiện, hạn chế việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật “bắt tay” làm hợp đồng giả để hợp thức hóa hồ sơ khi bị bắt giữ phương tiện (theo quy định hiện nay, cơ quan chức năng không thể tịch thu phương tiện vi phạm, nếu phương tiện đó không thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức vi phạm).

Bên cạnh đó, cần sửa đổi Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo hướng tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép và phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau; bổ sung hình thức phạt bổ sung khắc phục hậu quả vi phạm: Không tịch thu phát mại mà yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm phải vận chuyển số cát, sỏi đã khai thác trái phép để lấp trả lại nguyên trạng tại vị trí đã khai thác. Đồng thời, xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/NĐ-CP để các cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC có căn cứ thống nhất trong áp dụng xử phạt các hành vi VPHC trong lĩnh tài nguyên nước và khoáng sản.

Mặt khác, cần xác định hành vi khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trộm, cắp tài sản của Nhà nước để xử lý về hình sự nhằm tăng tính răn đe. 

- Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Đức Thắng (Thực hiện)

Bình luận

ZALO