Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:21 GMT+7

Cần sự đồng thuận cao

Biên phòng - Sau một tháng công bố dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của chuyên gia và người tham gia giao thông về những điểm mới nêu trong dự luật.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi nhận được nhiều ý kiến góp ý của chuyên gia và người tham gia giao thông. Ảnh: minh họa

So với Luật GTĐB năm 2008, dự luật sửa đổi đã bổ sung thêm 52 điều, bao gồm rất nhiều quy tắc giao thông mới. Trong đó, nhiều quy định mới nhận được sự đồng tình cao của dư luận như: cấm sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện; cấm quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc; xử phạt nguội qua camera; xử lý phương tiện gây tiếng ồn, bụi, khói; bổ sung bằng lái hạng A0...

Tuy nhiên, một số điểm mới như dừng đèn xanh nếu có ùn tắc, bật đèn xe máy cả ngày, kiểm tra định kỳ về hệ thống xả khí thải... không nhận được sự đồng thuận từ dư luận. Theo nhiều người tham gia giao thông, “cấm vượt đèn xanh”, “bật đèn xe máy cả ngày” là những đề xuất không phù hợp với thực tiễn giao thông Việt Nam.

Giải trình những băn khoăn của dư luận, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, qua 12 năm thực hiện, Luật GTĐB đang bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt là cần có những quy định mới đảm bảo tính minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính, đảm bảo phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Cùng đó, GTĐB sẽ an toàn hơn, tai nạn giao thông giảm sâu hơn, thuận tiện, dễ dàng, giảm chi phí cho người dân hơn và thân thiện với môi trường.

Mặt khác, Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna 1968 về GTĐB từ năm 2015, nên Luật GTĐB phải sửa đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế như: Khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng, kết nối giao thông, minh bạch trong xử phạt...

Giải thích cụ thể về những điều băn khoăn nhất của người dân, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ Giao thông vận tải căn cứ theo Công ước Vienna 1968. Công ước này coi xe máy là phương tiện yếu thế (so với ô tô) trên đường nên phải có đèn nhận diện để giảm tai nạn.

Đây là biện pháp nhằm tăng cường tính phát hiện phương tiện khi đi đối diện hoặc tại các vị trí khuất tầm nhìn. Hiện, hầu hết các quốc gia đã áp dụng, chỉ còn 4 nước Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam chưa có quy định.

Tuy nhiên, các chuyên gia đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, giải thích rõ với người dân về đèn nhận diện ban ngày, tránh tình trạng người dân hiểu là đèn pha, cốt như hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà sản xuất, đơn vị lắp ráp, nhập khẩu xe máy phải đưa vào tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh.

Tương tự như quy định đèn xanh không vào nút giao khi có ùn tắc, xung đột giao thông, ban soạn thảo cần làm rõ hơn, định nghĩa rõ hơn các tình huống để người dân hiểu và chấp hành như một giải pháp phân luồng, điều tiết từ xa.

Giao thông thông minh hướng tới việc giảm đến mức thấp nhất sự có mặt của con người trong khâu quản lý và điều hành, thì việc điều chỉnh hành vi bằng các quy phạm pháp luật và các giải pháp công nghệ để điều hành, giám sát, tổ chức giao thông là xu thế tất yếu.

Nhưng để người dân nhận thức đầy đủ tính ưu việt của các quy định trong dự luật mới, cơ quan soạn thảo cần kịp thời công bố những căn cứ, luận điểm cũng như chủ động phân tích, cung cấp thông tin kịp thời cho người tham gia góp ý, xây dựng luật, để tạo đồng thuận trong dư luận.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO