Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:45 GMT+7

Cần sự chung tay vượt qua “cú sốc” Covid-19

Biên phòng - Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh “thế giới phẳng” như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cũng bị những “cú sốc” không nhỏ, đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

ix65_6a
Hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Lê Đồng

Nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm mạnh

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, GDP quý I năm 2020 của Việt Nam  tăng 3,82%, đây là con số tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2010. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I-2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản. 

Đáng chú ý, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 2,69% của quý I-2016; ngành lâm nghiệp tăng 5,03%, nhưng chiếm tỷ trọng thấp; ngành thủy sản tăng 2,79%, thấp hơn mức tăng 4,96% và 5,42% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019. Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I-2020 tăng 5,28% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn nhiều mức tăng 10,45% của quý I-2018 và 9% của quý I-2019. Khu vực dịch vụ thì tốc độ tăng 3,27% - thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I-2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.

Doanh nghiệp là một trong những khu vực gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh trong quý I vừa qua. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, cả nước có gần 30 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội quý I-2020 mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng trưởng GDP 3,82% trong quý I là “rất đáng tự hào” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, dịch bệnh xảy ra trên khắp thế giới, các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng.

Tìm “vaccine” cho vấn đề sụt giảm kinh tế

Mới đây, Chính phủ đã quyết định giữ nguyên không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao độ của Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bảo đảm thực hiện nghiêm, đồng bộ, toàn diện các giải pháp cũng như hiệu quả cộng hưởng của các nhóm giải pháp trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu tốc độ xử lý, thực hiện các giải pháp phải quyết liệt, hiệu quả. Đồng thời, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các quy định, tạo mọi điều kiện để kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả; kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra, duy trì sản xuất và tiêu dùng; khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch bệnh kết thúc.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2020 đối mặt với rất nhiều khó khăn, việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn, cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Cùng với nỗ lực dập dịch sớm nhất, Chính phủ cần tập trung hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. 

“Bên cạnh đó, cần tìm thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các ngành ảnh hưởng nghiêm trọng như giao thông, du lịch; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước. Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân. Tăng năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa” - Ông Lâm phân tích.

kiys_6b
Nhiều quán hàng kinh doanh dịch vụ ở Hà Nội buộc phải đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh: Quang Long

Chính phủ cũng đã xây dựng nhiều kịch bản để hạn chế tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, đồng thời có giải pháp tận dụng thời cơ, củng cố sản xuất, tạo lập thị trường để bù đắp các thiệt hại kinh tế do dịch gây ra. Chỉ thị số 11 của Thủ tướng về việc tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 đã được ban hành với nhiều giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu việc trả nợ, miễn giảm lãi vay, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất trong nước, nhu cầu nguyên vật liệu, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ...

Những giải pháp trên cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ nhằm ổn định tình hình, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Đặc biệt, trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trước tác động của dịch Covid-19. Hội nghị thảo luận 3 nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và nhóm giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO