Biên phòng - Sáng 25-5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ dành một ngày rưỡi để thảo luận các vấn đề trên.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với quyết tâm của Chính phủ trong đổi mới cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đưa nền kinh tế - xã hội đất nước phát triển vượt bậc. Năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, quý I năm 2018 tăng trưởng GDP đạt 7,3%. Đời sống nhân dân được nâng lên, văn hóa, môi trường, phòng chống tham nhũng, an ninh - quốc phòng, đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần tháo gỡ, như một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, trần nợ công và tính bền vững của nền kinh tế. Mặt khác, tiến độ giải ngân vốn đầu từ công không đạt, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, việc xử lý các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng còn chậm so với kế hoạch, khiếu kiện đông người…
Đặc biệt, nhiều đại biểu nêu thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng của người dân. Trong khi Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và địa phương chậm thực hiện các chính sách khắc phục.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), để chống biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, nâng cao đời sống cho nhân dân ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 ngày 27-11-2017, trong đó đưa ra các giải pháp, chính sách phát triển bền vững ĐBSCL, chống sạt lở, thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh. Phát triển ngành sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo tính liên kết trong vùng và các khu vực khác dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích các bên liên quan, hài hòa điệu kiện tự nhiên, đất, nước, khí hậu, hệ sinh thái và văn hóa con người, tạo nên chuỗi liên kết giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trong vùng.
Với sự an nguy của 20 triệu người ở vùng ĐBSCL, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Thủ tướng Chính phủ cần phân công một Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các chính sách, giám sát tiến độ thực hiện Nghị quyết, sớm triển khai các dự án giúp nhân dân ĐBSCL ổn định cuộc sống, khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.
Viết Hà