Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 08:45 GMT+7

Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân

Biên phòng - Sáng 2-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

thu-tuong-phat-bieu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác… Đồng thời, cần nêu rõ khó khăn, thách thức và kiến nghị, đề xuất các chủ trương, biện pháp, định hướng để tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Thủ tướng nêu vấn đề và nhấn mạnh: “Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trên 6,8%, lạm phát vẫn giữ được 4%. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là nhận định của định chế tài chính lớn, phân tích khách quan nhưng chúng ta có làm được điều đó không, chính là do quyết tâm của chúng ta”.

Thủ tướng cho biết, năng lực sản xuất trong nước tiếp tục gia tăng với trên 64.500 doanh nghiệp mới được thành lập. Xu hướng kinh doanh tích cực hơn. Điều đáng mừng là an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Đã phát gần 22 triệu thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt các kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Về các khó khăn, thách thức hiện nay, trước tiên, Thủ tướng chỉ ra 3 vấn đề trong lĩnh vực xã hội: Thiên tai, vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác. “Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành” – Thủ tướng khẳng định.

cac-dai-bieu-du-hoi-nghi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV. Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam. Do vậy, cần dự phòng trước các phương án, đối sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Điểm đáng chú ý là trong 6 tháng qua, tình hình thiên tai, cháy nổ, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Lũ sớm đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 808 tỷ đồng.

Lê Hoàng

Bình luận

ZALO