Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 09:50 GMT+7

Cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho lực lượng Cảnh sát Biển tiến thẳng lên hiện đại

Biên phòng - Chiều 29-5, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Luật Cảnh sát Biển Việt Nam. Qua thảo luận nhiều đại biểu cho rằng, trong hoàn cảnh vùng biển Việt Nam có những diễn biến phức tạp rất cần thiết ban hành Luật.

ya6f3q4wzm-42_21262671611137909885_a1
Đại biểu Bùi Đức Hạnh. Ảnh: Viết Hà

Về chức năng, nhiệm vụ Cảnh sát Biển, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, Ban soạn thảo cần rà soát lại Hiến pháp, Luật Quốc phòng, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật An ninh quốc gia, Luật Thủy sản và các luật có liên quan để xác định địa vị pháp lý của Cảnh sát Biển, tránh chồng chéo vị trí chức năng với các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ, tạo “khoảng trống” trên biển.

“Vùng biển chúng ta có 1 triệu km2, trong các đợt tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến ngư dân đánh bắt thủy sản ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa rất cần có lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ, vừa giúp ngư dân yên tâm lao động, sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền. Trong khi vùng biển này chỉ có tàu lớn mới hoạt động được và chỉ có lực lượng Cảnh sát Biển có phương tiện, chức năng đáp ứng yêu cầu hoạt động ở các vùng biển đó để bảo vệ ngư dân. Do đó, Cảnh sát Biển được đề nghị chủ trì thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển thềm lục địa, vùng biển đặc quyền kinh tế, từ biên giới quốc gia trên biển trở ra để bảo vệ an ninh trật tự trên biển, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ ngư dân, cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã có quy chế phối hợp giữa BĐBP, Hải quân, Cảnh sát Biển, có phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của các lực lượng, nên không có việc chồng chéo nhiệm vụ”. - Đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh.

Nhất trí với quan điểm của đại biểu Bùi Đức Hạnh, đại biểu Lại Xuân Môn (Cao Bằng) cho biết, tình hình trên biển cực kỳ phức tạp, tranh chấp chủ quyền, cướp biển, buôn lậu, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam khai thác trộm tài nguyên, thủy sản diễn ra ngày một tăng. Vì vậy, cần đầu tư mạnh cho Cảnh sát biển đủ sức đảm bảo thực thi nhiệm vụ. Hiện nay, phương tiện thực thi pháp luật trên biển rất mỏng khó đáp ứng việc bảo vệ 200 nghìn con tàu của ngư dân.

“200 nghìn con tàu là “cột mốc sống” đang ngày đêm cùng với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lực lượng bảo vệ ngư dân chưa đáp ứng yêu cầu, do đó rất cần quan tâm đầu tư nguồn lực, vật chất cho lực lượng Cảnh sát Biển tiến thẳng lên hiện đại, đủ sức cùng các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền tài phán trên biển”. - Đại biểu Lại Xuân Môn cho biết.

5b0d7ebb7a76df6343000fcf
Đại biểu Lại Xuân Môn. Ảnh: Viết Hà

Cho ý kiến về dự thảo luật này, đại biểu Lê Quý Vương (Hưng Yên) cho biết, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát Biển trên rất nhiều nội dung như: đấu tranh chống tội phạm khủng bố trên biển, nhất là có liên quan đến yếu tố nước ngoài; đấu tranh chống tội phạm liên quan đến ma túy hoạt động trên biển… Các kết quả đó đã khẳng định vị trí, vai trò, chức năng quan trọng của Cảnh sát Biển thực thi trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển trong suốt thời gian qua.

Đại biểu Lê Quý Vương góp ý, cần điều chỉnh lại phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát Biển nêu tại khoản 2 Điều 11 dự thảo luật theo hướng quy định rõ hơn là “hoạt động ở địa bàn vùng biển liên quan ngoài vùng biển Việt Nam”, thay cho việc sử dụng khái niệm “địa bàn liên quan”. Đồng thời, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ phạm vi và các nội dung liên quan đến hoạt động của Cảnh sát Biển, tập trung vào đúng chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát Biển được giao trên vùng biển Việt Nam.

Viết Hà

Bình luận

ZALO