Biên phòng - Mỗi năm trên thế giới có hơn 180.000 trẻ em qua đời vì tai nạn giao thông (TNGT). Riêng tại Việt Nam, con số này là 2.000 trường hợp, chiếm 25% tổng số ca tử vong do chấn thương ở trẻ vì TNGT hằng năm.
Con số rất đáng báo động trên phản ánh một thực tế tồn tại ở Việt Nam là trong khi các bộ, ngành nỗ lực kéo giảm TNGT, hướng đến mục tiêu giao thông không thương vong thì tình trạng TNGT liên quan đến trẻ em và có nạn nhân là trẻ em đang tăng lên.
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ trẻ em tử vong do TNGT tại Việt Nam ở mức cao trên thế giới, các chuyên gia chỉ ra xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của người lớn bao gồm gia đình, nhà trường và người thực thi pháp luật.
Thật đáng lo ngại khi trẻ em tự tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện với tốc độ lưu thông lớn mà không được trang bị các thiết bị và điều kiện đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Không ít em được cha mẹ cho sử dụng mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe.
Thế nên, học sinh tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em. Tỷ lệ tử vong do TNGT trong nhóm đối tượng này có xu hướng gia tăng do ý thức về ATGT chưa cao, các em không chấp hành luật và các quy định về ATGT như vượt đèn đỏ, băng qua đường bất ngờ, không quan sát, lấn chiếm làn đường của các phương tiện khác...
Trong khi đó, việc giáo dục ATGT đối với học sinh chưa được các nhà trường chú trọng. Nhiều người lớn thiếu ý thức phòng tránh TNGT cho trẻ như không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, chở người quá quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, hoặc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia...
Các chuyên gia cũng chỉ ra những bất cập trên chậm được khắc phục vì “lỗ hổng” trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATGT cho trẻ em như chưa quy định chặt chẽ về quản lý loại hình phương tiện xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy dưới 50 phân khối và giấy phép lái xe đối với các phương tiện này; thiếu chế tài xử lý các nhà sản xuất phương tiện không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật...
Tham gia giao thông an toàn là kỹ năng sống cơ bản của mỗi công dân. Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp lâu dài để kéo giảm TNGT đối với trẻ em là việc giáo dục ý thức ATGT ngay từ khi còn nhỏ.
Cách tiếp cận phù hợp trước tiên là người lớn phải có trách nhiệm làm gương và tuân thủ quy định về ATGT, chủ động trong giáo dục, hướng dẫn cho con em tham gia giao thông an toàn.
Bên cạnh đó, chúng ta cần kiên trì thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho trẻ em bằng cách đưa chương trình giáo dục về ATGT vào giảng dạy chính khóa ngay từ lớp 1. Học sinh phải được trang bị đầy đủ kiến thức, pháp luật ATGT bằng giáo trình, lồng ghép với bộ môn giáo dục công dân hoặc kỹ năng sống hiện đang có trong khối kiến thức các cấp học của học sinh. Đồng thời, quy định việc chấp hành ATGT của học sinh là một tiêu chí đánh giá kết quả học tập tại các trường học.
Song song với đó, giải pháp cấp bách là hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến ATGT cho trẻ em cần được cụ thể hóa trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Theo đó, người đi xe đạp điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50 phân khối phải có giấy phép lái xe và quy định đối tượng từ 16 đến 18 tuổi chỉ được điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối và xe máy điện không vượt quá 4kw. Cùng đó, hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm đối với những trẻ em đủ điều kiện xử phạt và người giám hộ theo hướng tăng nặng.
Triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp trên, chúng ta sẽ kiềm chế đến mức thấp nhất TNGT đối với trẻ em, thực hiện thành công Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Hoàng Lâm