Biên phòng - Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm 4 huyện vùng cao là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang, có diện tích hơn 2.300km2, độ cao 1.000m so với mực nước biển. Đây là nơi sinh sống của hơn 25 vạn dân, 17 dân tộc anh em với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Vấn đề cần đặt ra là, việc cao nguyên đá đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn có giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây bớt nghèo hay không?
|
Chợ phiên - Nét văn hóa đặc sắc. Ảnh: Minh Thu |
Ông Hoàng Văn Hồi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: "Là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, cao nguyên đá chứa đựng những dấu tích tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, với những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ với điệp trùng núi đá hùng vĩ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa Hà Giang, đang được các nhà khoa học và cộng đồng khám phá, tìm hiểu những nét đặc sắc".
Có thể kể đến di sản địa chất với rừng hóa thạch Huệ biển Cán Chu Phìn; nghĩa địa hóa thạch Làn Chải; điểm hóa thạch ngã ba Lũng Pù - Khau Vai - Mèo Vạc. Các danh thắng như núi đôi Quản Bạ; phố cổ Đồng Văn, nhà Vương, thị trấn Phó Bảng, cột cờ Lũng Cú... cùng nhiều thôn văn hóa dân tộc và làng văn hóa du lịch - những tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Giang.
Với những lợi thế như vậy, nhưng hơn 4 năm qua, CVĐCTC cao nguyên đá Đồng Văn vẫn chỉ khoác trên mình chiếc áo nhiều màu sặc sỡ với những danh hiệu xa xôi, chính quyền và người dân vẫn đang thụ động trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế từ CVĐCTC cao nguyên đá.
Không thể phủ nhận, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, ngành, từ năm 2009 - 2013, Hà Giang đã được Trung ương hỗ trợ gần 2.800 tỷ đồng cho công tác đầu tư cơ sở hạ tầng ở các thôn, bản, xã thuộc 6 huyện nghèo đặc biệt khó khăn, góp phần không nhỏ trong việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và hưởng thụ ngày càng nhiều các thành quả phúc lợi xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nguồn vốn được đầu tư chủ yếu tập trung cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi và các công trình phục vụ dân sinh... Các công trình sau khi hoàn thành được đưa vào sử dụng phục vụ lợi ích của nhân dân đạt chất lượng và hiệu quả.
Từ khi được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Chương trình 30a, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở cao nguyên đá Đồng Văn nói chung và huyện Đồng Văn nói riêng, đã thay đổi rõ rệt, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo ở đây từ trên 70% (năm 2010), nay đã giảm xuống còn khoảng 50%.
Kết quả này tuy còn hạn chế, nhưng đã góp phần tạo "đòn bẩy" cho sự phát triển của cao nguyên đá, nhờ sự hỗ trợ của Trung ương với hàng loạt chính sách giảm nghèo như các Chương trình 134, 135, 30a... Tuy nhiên, toàn bộ diện tích hơn 2.300km2 thuộc vùng cao nguyên đá hiện vẫn đang loay hoay với bài toán việc làm. Xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập, đồng bào đã quá quen với việc canh tác trên đất dốc, cuốc đất trồng ngô trên những triền núi đá tai mèo nhọn hoắt. Để thay đổi nhận thức này là cả một quá trình không đơn giản, phải bắt đầu từ đội ngũ cán bộ xã, huyện đến người dân.
Anh Và Mí Lềnh, thôn Lóng Hỏi B, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn cho biết: "Cũng được nghe nhiều về CVĐCTC cao nguyên đá và được cán bộ nói rằng phải bảo vệ, giữ gìn, nhưng khai thác hay làm du lịch hoặc bán hàng thì mình không biết đâu. Nhà mình bây giờ vẫn sống chủ yếu dựa vào nương ngô, nuôi con gà, con vịt thôi mà!".
Chị Hoàng Thị Diễn, chuyên viên Trung tâm Thông tin CVĐCTC cao nguyên đá cho rằng: Nhà nước cần có chính sách đặc thù và người dân cao nguyên đá rất cần được chính quyền tạo điều kiện hình thành các điểm bán hàng theo quy mô hàng hóa, có tổ chức, có quản lý hoặc khuyến khích người dân nuôi ngựa để chở khách - bởi lẽ chở khách bằng ngựa là một sinh hoạt đặc thù của người dân vùng cao, thay vì đi xe máy vừa không an toàn, vừa đắt đỏ và không được du khách ưa chuộng.
Chị Hương đưa ra hàng loạt dẫn chứng về việc cao nguyên đá chưa hấp dẫn du khách: Giá thuê xe máy đắt (250 ngàn đồng/ngày); các dịch vụ du lịch tại Đồng Văn vừa thiếu, vừa không chu đáo nên du khách chỉ ghé lại Đồng Văn chơi, rồi đi sang Mèo Vạc hoặc xuống Tam Sơn để nghỉ và sử dụng các dịch vụ khác hợp lý hơn".
Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, chính quyền và người dân Đồng Văn nói riêng, vùng cao nguyên đá nói chung cần khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của cao nguyên đá. Ngoài việc mở các điểm dịch vụ bán hàng, khuyến khích nuôi ngựa chở khách, cần xây dựng các mô hình du lịch tại nhà (homestay) để khách được trải nghiệm thực tế và cũng phù hợp với sức dân; xây dựng các điểm du lịch có thu phí để tạo việc làm cho đội ngũ bảo vệ, dọn vệ sinh...
Nằm ở trung tâm cao nguyên đá, Đồng Văn dư sức làm việc này nếu có sự đồng thuận cao từ chính quyền và người dân. Nhưng chính quyền có vẻ chưa thật sự quyết tâm nên vẫn còn rất thụ động. Ông Ly Mí Phứ, Chủ tịch HĐND xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn cho biết: "Ngoài các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương, xã và huyện cũng chưa biết làm thế nào để nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn, nhất là việc làm du lịch, phát triển du lịch từ lợi thế của CVĐCTC cao nguyên đá Đồng Văn".
Thực tế cho thấy, những năm qua, mặc dù công tác tuyên truyền về giá trị cần bảo tồn CVĐCTC cao nguyên đá, kể cả việc bảo vệ khu vực này rất được coi trọng và đẩy mạnh, nhưng nhận thức của đồng bào ở đây vẫn còn hạn chế, một số nơi vẫn còn hiện tượng nổ mìn khai thác đá với những nhận thức hết sức đơn giản rằng: Nếu không phá đá thì sẽ chết đói! Hoặc tại các điểm du lịch, tình trạng đeo bám khách, xin tiền khách sau khi chụp ảnh lưu niệm vẫn còn khá phổ biến. Chính những yếu tố tưởng như nhỏ này đã và đang làm méo mó hình ảnh của một Hà Giang giàu tiềm năng và hiếu khách.
Theo quy hoạch tổng thể CVĐCTC cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030 và xúc tiến đầu tư, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Viện Quy hoạch, Bộ Xây dựng triển khai công tác quy hoạch. Một mặt, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học; mặt khác, chỉ đạo 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc nằm trong CVĐCTC tạo ra mô hình sinh kế mới phù hợp với điều kiện tự nhiên và gắn với nhu cầu trực tiếp, trình độ nguồn nhân lực địa phương, để nâng cao nhận thức và đời sống cho đồng bào dân tộc; từng bước khôi phục, bảo tồn và phát huy có trọng điểm các lễ hội truyền thống của các dân tộc; duy trì phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ để phục vụ du lịch.
Đồng thời, phát triển các loại hình du lịch mới có gắn yếu tố văn hóa địa phương với các hoạt động khám phá như du lịch địa chất, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm miền cao nguyên đá...
Với những bước đi cụ thể, theo lộ trình, hy vọng, trong một tương lai không xa, CVĐCTC cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch trong nước, cũng như quốc tế khi đến Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc, góp phần thúc đẩy du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá.