Biên phòng - Bước sang năm thứ 2 của thập kỷ mới, khủng hoảng dịch bệnh chưa thể đẩy lùi, cộng hưởng với nhiều cuộc khủng hoảng khác đã khiến những gam màu trầm bao trùm bức tranh thế giới. Dẫu vậy, những “điểm sáng” của năm 2021 đã báo hiệu sự khởi sắc đầy triển vọng trong năm 2022.
Khủng hoảng cộng hưởng
Năm 2021, những cuộc khủng hoảng sẵn có vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều quốc gia và khu vực như: Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng cạnh tranh giữa các nước lớn, địa chính trị, khủng hoảng nhân đạo, nạn đói, bạo lực leo thang, trở ngại các tiến trình phi hạt nhân hóa…
Những cuộc khủng hoảng mới nổ ra bao trùm bức tranh thế giới những gam màu trầm. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu xảy ra với những thay đổi trên diện rộng, nhanh chóng tạo ra nhiều tác động tiêu cực không thể đảo ngược đối với thế giới. Những chỉ số biến đổi khí hậu tăng mạnh, nhất là những hiện tượng thiên tai tàn khốc khắp nơi trên thế giới trong năm qua đã gióng lên “báo động đỏ” cho tương lai của nhân loại.
Thực trạng cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu trong năm 2021 đã nhấn mạnh rằng, đây là thách thức lớn nhất của nhân loại, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn cầu với hành động mạnh mẽ hơn, trách nhiệm hơn. Mặt khác, năm qua cũng xảy ra một xu thế đáng lo ngại là khủng hoảng năng lượng khi hàng loạt diễn biến tiêu cực khiến nhiều quốc gia lâm vào cảnh khan hiếm năng lượng nghiêm trọng. Trung Quốc phải cắt điện luân phiên; các nhà máy tại Ấn Độ chật vật tìm nguồn nhiên liệu than; giá nhiên liệu tăng vọt tại châu Âu, Đông Á, Mỹ… trong bối cảnh kinh tế - xã hội từng bước suy yếu. Khủng hoảng năng lượng vừa qua tuy vẫn có cách khắc phục nhưng đã đặt ra một viễn cảnh tương lai u tối nếu không có những cuộc cải tổ thị trường năng lượng sâu, rộng và đủ hiệu lực.
Về chính trị, năm 2021 cũng là thời điểm quốc tế nhìn lại “Mùa xuân Arab” năm 2011 khi những ảo tưởng, mưu cầu vô lý đối với thể chế Nhà nước của một bộ phận người dân bị kích động đã đẩy hàng loạt quốc gia lâm vào cảnh tang thương mà không thể trở về sự ổn định, yên bình như trước. Dù còn đó bài học “nhãn tiền”, song, các cuộc đảo chính tại Guinea, Mali, Sudan, Myanmar và những âm mưu đảo chính bị cáo buộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi trong năm qua, tiếp tục tạo ra những cuộc khủng hoảng chính trị không chỉ cho những quốc gia đó, mà còn tạo ra mối nguy chính trị, an ninh cho khu vực và quốc tế.
Khủng hoảng di cư ở châu Âu bùng nổ khi người tị nạn từ Trung Đông ồ ạt tràn qua Belarus để tới biên giới các nước cửa ngõ châu Âu đã kéo theo nhiều vụ “đổ máu”. Điều kiện sống tồi tệ tại các “điểm nóng” biên giới cũng cướp đi sinh mạng của nhiều người tị nạn. Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng di cư tương tự như năm 2015 khuynh đảo châu Âu đến rất gần và trở thành mối lo hàng đầu tại khu vực này, dù đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế vẫn chưa hề “hạ nhiệt”. Song hành với khủng hoảng di cư, nhiều quốc gia đối lập tại “lục địa già” vẫn cùng “lên gân”, luôn cho thấy sự sẵn sàng để đối địch nhau, tạo ra những mối nguy bất ổn an ninh khu vực.
“Tỉnh giấc” về những giá trị trân quý
Đứng trước những gam màu trầm cũng là lúc nhân loại “tỉnh giấc” về những giá trị trân quý, từ đó, nhiều “luồng sáng” đã xuất hiện. Nổi bật trong đó, các cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc dù vẫn rất căng thẳng, song, đã có chiều hướng “giảm nhiệt” khi xuất hiện những cách tiếp cận mới, bớt thù địch, đặc biệt là nâng tầm quan trọng của đối thoại, giải quyết bất đồng theo luật pháp, chuẩn mực quốc tế.
Sự kiện ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ ngay trong những ngày đầu năm 2021 đã khởi đầu cho hàng loạt động thái thay đổi cách tiếp cận tích cực hơn của siêu cường quốc này trong nhiều vấn đề quốc tế diễn ra trong năm qua. Mối quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc có chiều hướng mềm mại hơn nhờ đối thoại đã phần nào giúp thế giới bớt đi những tác động tiêu cực từ các nước lớn. Tại Trung Đông, Mỹ và các nước đồng minh rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan không chỉ tạo nên triển vọng hòa bình cho đất nước này, mà còn tạo một “bước ngoặt” lịch sử để khu vực “điểm nóng” xung đột thế giới tiến gần hơn đến tương lai ổn định và hòa bình.
Ở góc độ tổng thể hơn, so với những năm trước đây, quan hệ giữa các quốc gia cũng như khu vực trên khắp thế giới thường xuyên cho thấy những rạn nứt, chia rẽ thì nay, trải qua 2 năm cùng chung khó khăn vì đại dịch Covid-19, sức mạnh đa phương chưa bao giờ được nhận thức tích cực đến thế. Năm 2021 tiếp tục ghi nhận sự đoàn kết quốc tế mạnh mẽ hơn khi nhiều quốc gia và tổ chức khu vực công bố những mối hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt nhất là những nỗ lực chung sức ứng phó với dịch bệnh và khôi phục phát triển hậu Covid-19. Sự đoàn kết, tăng cường hợp tác quốc tế đã khơi nguồn những động lực mới thúc đẩy mạnh hơn các nỗ lực ứng phó với thời cuộc.

Kết quả đầy triển vọng từ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào đầu tháng 11-2021 cũng là một minh chứng cho điều này. Từ COP26, cộng đồng quốc tế ít nhiều tạo ra những triển vọng về nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Khác biệt so với COP25 không đạt được nhiều kết quả tích cực vì còn chưa đồng thuận ý chí chung, COP26 đã thỏa mãn những kỳ vọng trở thành hội nghị lịch sử với hàng loạt cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao, chung ý chí của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường những nỗ lực có hiệu quả cao để kìm hãm mức độ xấu đi của biến đổi khí hậu.
Trong năm thứ 2 của thập kỷ mới, nhân loại có nhiều “điểm sáng” hơn so với năm 2020. Trên hết, trong gian nan, toàn cầu đã có nhiều hành động chung sức xóa đi những “điểm tối”, “điểm lùi” để tìm ra “lối thoát”. Đoàn kết quốc tế ngày càng mạnh mẽ trong năm qua chính là “luồng sáng” dẫn lối cho nhân loại cùng nhau vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Điều này cũng củng cố niềm tin rằng, năm 2022 sẽ có thêm nhiều “luồng sáng” hơn để xua đi bóng tối dịch Covid-19 bao trùm bức tranh thế giới trong 2 năm qua.
Thanh Trúc