Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:55 GMT+7

Cần những đột phá đặc biệt

Biên phòng - Để ổn định vĩ mô, làm cơ sở cho sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế trong trung và dài hạn, các chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học xã hội đề nghị triển khai kịp thời và hiệu quả tổng gói cứu trợ nền kinh tế trong năm 2022-2023 khoảng 666.000 tỉ đồng (8% GDP) tập trung 4 lĩnh vực ưu tiên: y tế, đầu tư công, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp.

Theo nhóm nghiên cứu Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, khác với thế giới, Việt Nam đang phục hồi theo mô hình chữ U thay vì chữ V như các nước đã có các gói kích thích kinh tế lớn.

2 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước đạt thấp, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức... Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì và ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tính riêng năm 2021, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vào khoảng 138.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ; hỗ trợ giá điện, tiền điện, nước, viễn thông... cho doanh nghiệp, người dân.

Mặc dù những chính sách hỗ trợ nêu trên là rất kịp thời, có ý nghĩa nhưng chưa đủ về phạm vi, quy mô để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch.

Nhóm chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, nếu không có các gói chính sách phục hồi và phát triển kinh tế đủ lớn, đủ mạnh, chúng ta sẽ không ngăn được đà suy giảm, khó bảo đảm an sinh xã hội và nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu, thậm chí nguy cơ tụt hậu đang hiện hữu.

Tuy nhiên, quy mô của gói hỗ trợ nên ở mức nào, 1-2% GDP hay có thể tới 8-10% GDP... đang là mối quan tâm lớn, từ nhiều góc độ. Bởi, quy mô quá lớn, nguồn lực sẽ lấy ở đâu? Hơn thế, Việt Nam là nền kinh tế mở, áp lực lạm phát bên ngoài đang gia tăng do giá hàng hóa và nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nếu việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ trong nước thiếu cẩn trọng, nền kinh tế sẽ rơi vào tình huống chịu áp lực lạm phát kép từ cả bên trong và bên ngoài, kéo theo nợ xấu, nợ công, bội chi ngân sách.

Bài học có chính sách tốt, nhưng triển khai chậm của các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong 2 năm qua vẫn còn. Vì vậy, các gói kích thích kinh tế sắp tới cần phải được tính toán kỹ lưỡng để tránh được những tác động tiêu cực, vừa bảo đảm kịp thời, lại vừa bảo đảm đủ liều lượng, quy mô và hiệu quả. Cùng với đó là các giải pháp thực hiện cũng cần theo hướng đột phá, sáng tạo, phù hợp những yêu cầu, đòi hỏi chưa có tiền lệ của nền kinh tế.

Trên cơ sở những phân tích trên, nhóm chuyên gia đề xuất tổng mức hỗ trợ thực tế của các gói hỗ trợ kinh tế là 445.760 tỷ đồng, tương đương 5,48% GDP; trong đó nhấn mạnh phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác.

Các lĩnh vực được hỗ trợ phải là lĩnh vực có khả năng đáp ứng tín dụng, có khả năng phục hồi; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chưa thể bố trí nguồn thay thế; thuộc những lĩnh vực, dự án ưu tiên phát triển hướng đến bao trùm, bền vững như y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Với sự vào cuộc đồng thuận với tinh thần đổi mới, đột phá và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tin tưởng rằng, mục tiêu của các gói chính sách lần này không chỉ phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, mà quan trọng là thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO