Biên phòng - Từ bao đời nay, múa dân gian các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn đóng vai trò quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp và là những di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, một số điệu múa dân gian dân tộc đã được các nhà sáng tác, biên đạo múa khai thác, xây dựng thành những tác phẩm múa theo kiểu chắp vá “râu ông nọ cắm cằm bà kia” gây ra sự phản cảm, làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.
“Râu ông nọ, cắm cằm bà kia”
Gần đây, nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã cảnh báo về thực trạng dòng múa dân gian đang có chiều hướng lai tạp, chạy theo thị hiếu khán giả. Đó là sự khai thác quá đà ngôn ngữ múa hiện đại khiến múa dân gian không còn là chính mình. Hình ảnh duyên dáng của những cô gái Tày, Thái, những bước đi xúng xính váy hoa của cô gái Mông xuống chợ thỉnh thoảng lại được xen kẽ với những cú “đá”, “xoạc chân”, “lăn”, “bò”... không phải hiếm trên các sân khấu.
Thêm vào đó là tình trạng trên sân khấu múa, một số biên đạo sử dụng trang phục DTTS làm phương tiện biểu đạt nhưng chất liệu ngôn ngữ múa, phong tục dân tộc lại ít được quan tâm. Từ thực tế đó dẫn tới tình trạng có biên đạo đưa động tác múa dân gian của dân tộc này lên sân khấu nhưng lại sử dụng âm nhạc, trang phục truyền thống của dân tộc khác hoặc trang phục được cách điệu quá đà, làm mất đi nét đặc trưng văn hóa của dân tộc.
Đơn cử là câu chuyện của một vài năm trước, ngay trên sóng truyền hình quốc gia, một nữ ca sĩ và các vũ công mặc trang phục Mông biểu diễn ca khúc dân ca Thái “inh lả ơi”. Sự nhầm lẫn khiến cho cộng đồng người Thái trên mạng xã hội “dậy sóng” bất bình.
Hay như trong Chương trình bán kết “Nhân tố bí ẩn” phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam cách đây vài năm, ban nhạc F Band khi biểu diễn tiết mục của mình đã dùng khăn piêu đội đầu của dân tộc Thái để đóng thành khố của các dân tộc vùng Tây Nguyên. Sự nhầm lẫn tai hại này làm dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng và các khán giả truyền hình người dân tộc Thái. Ngay sau đó, ban nhạc F Band và Ban tổ chức Chương trình “Nhân tố bí ẩn” đã phải xin lỗi khán giả và cộng đồng dân tộc Thái về sự nhầm lẫn tai hại này (!).
Ông Cao Chí Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế nhận xét: “Biên đạo múa không hiểu biết sâu rộng về dân tộc, lịch sử, xã hội, phong tục tập quán, văn hóa thì sẽ dẫn đến hệ quả tạo ra tác phẩm “đầu Ngô mình Sở”. Điển hình là động tác múa của dân tộc Ba Na nhầm vào động tác múa của dân tộc Ê Đê; động tác múa của dân tộc Cơ Tu nhầm vào động tác múa của dân tộc Tà Ôi; trang phục của dân tộc này nhầm sang dân tộc khác... Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ nền nghệ thuật truyền thống bị mất dần bản sắc, làm khán giả bị nhầm lẫn về dân tộc, trang phục...”.
Cần được chắt lọc nghệ thuật tinh túy
Những năm gần đây, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật các DTTS phối hợp tổ chức Cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các DTTS Việt Nam nhằm xây dựng và tôn vinh những giá trị nghệ thuật trong lĩnh vực sáng tác múa về đề tài các DTTS Việt Nam. Trong số 30 tác phẩm tham gia cuộc thi tại các tỉnh phía Bắc, có những tác phẩm đặc sắc như “Vũ điệu Khơ Mú” (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình); “Khau cút thương nhớ” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên); “Lễ Tẩu Slai” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên); Múa “Lằm tửng” (Ngủ ngồi) của Chi hội múa Nghệ An kể một câu chuyện độc đáo về tập tục ngủ ngồi của tộc người Đan Lai...
Đặc biệt, trên sân khấu có tác phẩm múa mang tên “Khóc” bắt nguồn từ Lễ Chay, còn được gọi là Lễ Báo hiếu - nghi lễ bắt buộc trước khi làm Lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao. Đây là tác phẩm được học sinh Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên) biểu diễn, tạo sức hấp dẫn với giới chuyên môn và bạn diễn.
Cô giáo - biên đạo múa Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, để xây dựng được tác phẩm này, chị đã cất công nhiều tháng trời đến với đồng bào người Dao quần trắng ở tỉnh Tuyên Quang để tìm hiểu tục lệ Cấp sắc. Ý tưởng dựng tác phẩm đến với chị khi chứng kiến đúng 12 giờ đêm, những âm thanh vang lên từ thanh la, chũm chọe của ông thầy gọi con cháu quây quần trước bàn thờ để khóc mời ông bà tổ tiên về dự lễ. Sau lễ cúng khóc trả ơn là màn nhảy múa cầu sức khỏe, hạnh phúc, mùa màng ấm no của người già và người trẻ, với những nét hồn nhiên, vui tươi, khỏe khoắn...
Tác phẩm múa do các diễn viên đều là con em dân tộc Dao, tuổi đời còn trẻ, tuổi nghề chưa có biểu diễn đã nhận được sự cổ vũ và đánh giá cao của giới chuyên môn. Tuy nhiên, bên cạnh cái hay, cái được của tác phẩm, vẫn còn có những “hạt sạn”. Nhà lý luận phê bình múa - Nghệ sĩ Nhân dân Thái Phiên nhận xét: “Biên đạo, diễn viên đã lạm dụng chiếc trống thiêng, trống thờ của đồng bào Dao, đưa lên sân khấu để làm bệ nhảy múa trên mặt trống. Diễn viên có thể cầm trống nhảy múa, đánh vui suốt ngày đêm, nhưng để trống làm bệ, rồi nhảy lên đó thì đã làm sai lệch bản sắc, phạm tính thiêng, phạm phong tục tập quán của đồng bào”.
Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh, hành trình sáng tạo múa chuyên nghiệp trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy những điểm sáng, những dấu ấn lịch sử của những tác phẩm múa thành công đều có nguồn cội sáng tạo từ múa dân gian DTTS. Chính múa dân gian dân tộc có sức mạnh, có giá trị bản sắc văn hóa đã là mạch nguồn hấp dẫn đối với các nhà biên đạo múa của các thế hệ.
Tuy nhiên, để giữ gìn cái cốt lõi, tinh túy nhất trong múa dân gian các DTTS Việt Nam, các nhà biên đạo múa và các nhà sáng tác nghệ thuật múa phải thực sự am hiểu về các giá trị văn hóa, giá trị địa lý và phong cách, động tác múa dân gian cơ bản của các DTTS. Từ đó, có tư duy cho ngôn ngữ múa của mình trong tác phẩm, tránh sự giả dối, chắp vá trong sáng tác múa chuyên nghiệp.
Ngọc Ánh