Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 26/09/2023 12:19 GMT+7

Cần một hành động để bảo vệ Biển Đông

Biên phòng - Vấn đề khai thác tài nguyên, an ninh hàng hải, hàng không và bảo vệ môi trường Biển Đông đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển bị ô nhiễm đến mức báo động, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Mới đây, tại Hải Phòng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hải Phòng phối hợp với Hội Thiên nhiên và Môi trường biển thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh", nhằm tìm kiếm giải pháp bảo vệ Biển Đông trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hành vi con người.

19d
Các hành vi thiếu cân nhắc của con người tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với Biển Đông. Ảnh: H. Hiền

Hướng tới một Biển Đông xanh

Biển Đông chiếm vị trí địa chiến lược quan trọng đối với khu vực và thế giới và chứa đựng các lợi ích không chỉ đối với 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, mà còn đối với phần còn lại của thế giới. Đặc biệt là lợi ích đối với các nguồn tài nguyên, môi trường, đối với tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Chính vì thế, Biển Đông đã trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước, đặc biệt các nước lớn trong lịch sử, đồng thời cũng đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng đối với an ninh môi trường biển; đối với an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không. Các đe dọa như vậy đã được Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết vào ngày 12-7-2016, trong đó nhấn mạnh đến các hoạt động hủy hoại môi trường và nguồn lợi đa dạng sinh học biển, đến quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. 

Hội thảo khoa học quốc tế "An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh" đã chuyển đi một Thông điệp: Chung tay xây dựng một Biển Đông xanh - một vùng biển lành mạnh, thịnh vượng và hòa bình. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý quốc tế và Việt Nam trao đổi, chia sẻ các khó khăn, thách thức, các bài học kinh nghiệm thực tiễn, các sáng kiến và giải pháp để đảm bảo an ninh môi trường; an toàn và an ninh hàng hải và hàng không trên Biển Đông trong bối cảnh có phán quyết của Tòa trọng tài, hướng tới một "Biển Đông xanh".

Liên quan tới vấn đề môi trường Biển Đông, các học giả quốc tế khẳng định, ở Biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô khác nhau, có mối liên kết sinh thái và môi trường chặt chẽ với các vùng biển ven bờ của các quốc gia trong khu vực biển này. Đây cũng là ngôi nhà chung của hơn 3.000 loài sinh vật và là nơi phát tán, cung cấp các nguồn giống thủy sản và dinh dưỡng để duy trì phát triển bền vững không chỉ ở vùng biển Trường Sa của Việt Nam, mà còn đối với phần còn lại của Biển Đông.

Tuy nhiên, việc mở rộng, bồi đắp các bãi cạn, đá để xây dựng thành đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực giữa Biển Đông là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Các học giả quốc tế cũng khẳng định: 95% tác động phá hủy môi trường Biển Đông trong những năm gần đây là của Trung Quốc. Môi trường biển khu vực các đảo Trường Sa đang bị tàn phá rất nặng nề, nhiều khu vực của rạn san hô và bãi cạn - nơi cư trú của các loài sinh vật đã bị mất vĩnh viễn. Điều đó gây tổn thất lớn, lâu dài cho môi trường và kinh tế.

Theo GS.TS Annette Junio Menne đến từ Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines  thì, mỗi năm mất ít nhất 4 tỉ đô la vì các hoạt động khai thác bừa bãi ở rạn san hô trên Biển Đông của Trung Quốc. Điều đó không chỉ gây tổn hại đến hòa bình, mà còn cả sự thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Còn GS.TS. John McManus, Đại học Miami, Hoa Kỳ chia sẻ: "Mọi thứ đều bị hủy hoại, đặc biệt là từ các hoạt động mở rộng, tôn tạo để xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên các bãi cạn ở vùng biển Trường Sa. Các tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để tìm ngao, trai tai tượng khổng lồ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề cá khu vực và mất đi một số loài quý hiếm trong Sách Đỏ quốc tế".

Theo các học giả, mỗi quốc gia đều phải có nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên biển, tuân thủ các quy định và phán quyết quốc tế và đặc biệt là tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường và tài nguyên trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Các nhà khoa học cho rằng giữa vấn đề bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải và hàng không có liên hệ với nhau, nên việc thực hiện và tuân thủ các quy định của Tổ chức hàng hải và hàng không quốc tế trong khu vực sẽ góp phần bảo vệ môi trường và duy trì môi trường hòa bình ở Biển Đông.

Các học giả đề xuất các sáng kiến và giải pháp để hướng tới một Biển Đông xanh, trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo vệ môi trường và tài nguyên Biển Đông thông qua thúc đẩy mạng lưới chia sẻ thông tin về các khu bảo tồn biển, các hoạt động hợp tác khoa học mở rộng giữa các quốc gia trong khu vực... 

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ hành vi của con người

Các học giả chỉ ra rằng, môi trường Biển Đông luôn bị đe dọa vì các hành vi của con người. Biển Đông là hiện thân của sự tranh chấp địa chính trị hàng ngàn năm ở vùng biển châu Á và cũng chính là tranh chấp về lợi ích kinh tế. Đã từ nhiều năm nay,  các tranh chấp ở Biển Đông và những tranh cãi đã tạo ra một loạt các hội thảo quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình về tình hình xung đột nhưng vẫn chưa có lời giải. Sau phán quyết của Tòa trọng tài tại Hague trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, các học giả đặc biệt nhấn mạnh vào những thách thức về môi trường biển, về tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông liên quan đến hành vi của con người.

Các vấn đề địa kinh tế liên quan đến chủ quyền, môi trường biển và tài nguyên thường có quan hệ qua lại và đi song hành cùng nhau. Mặt khác, các vấn đề địa kinh tế của các bên được cho là có tác động đến thương mại quốc tế và khu vực, đe dọa tự do hàng hải. Tình hình xung đột cũng được xem là nhân tố cản trở hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, lần lượt có tác động và ảnh hưởng ngầm về địa chính trị.

Các nhà khoa học khẳng định rằng, cho đến nay, tự do hàng hải chưa bao giờ bị phá vỡ ở Biển Đông, kể từ khi xuất hiện các tình huống xung đột và hiện tại nó vẫn đang dừng lại là một mối đe dọa. Quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ không bị gián đoạn. Đến thời điểm hiện tại, 3 tháng sau phán quyết của Tòa Trọng tài Hague, tự do hàng hải cho các tàu thương mại và tàu hải quân đã không bị đe dọa.

Tuy nhiên, các hoạt động quân sự và những thay đổi nhân tạo của các thực thể địa chất địa mạo trong Biển Đông đã làm gia tăng các mối đe dọa đối với môi trường biển. Các đề xuất ở đây là các cơ chế truyền thống bảo vệ Biển Đông, đặc biệt là theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển phải được chủ động theo đuổi. Tự do hàng hải và các hoạt động khác của con người phải được tôn trọng trên nguyên tắc cơ chế bảo vệ đại dương. Môi trường biển rất dễ bị tổn thương, an ninh hàng hải và tự do hàng hải phải tuân theo quy định quản lý và quản trị đại dương. Đồng thời, khuyến khích kiềm chế các hoạt động tàn phá của con người đối với môi trường biển.

Trong bối cảnh chính trị phức tạp ở Biển Đông thì việc "đóng băng" các hoạt động gây phương hại đến hệ sinh thái biển của các quốc gia sẽ tạo thuận lợi cho việc bảo vệ môi trường,  phục hồi các nguồn tài nguyên tái tạo. Đặc biệt, cần tiếp cận từng bước, trước hết tăng cường tạo dựng lòng tin bắt đầu từ hợp tác khoa học liên quan đến môi trường, hàng không và hàng hải trên Biển Đông.

Hà Phương

Bình luận

ZALO