Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Cần một chế tài mạnh

Biên phòng - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thay thế cho Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013. Thực tế, sau 7 năm thi hành Nghị định 158, việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo gặp nhiều khó khăn do nhiều quy định đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của xã hội, có một số hành vi vi phạm được quy định chưa rõ ràng, còn bỏ lọt các hành vi vi phạm.

Với việc sửa đổi gần 300 hành vi trên cơ sở 500 hành vi đã được quy định tại Nghị định 158, dự thảo Nghị định mới được các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đồng tình, đánh giá cao khi đưa ra lấy ý kiến. Đặc biệt, các quy định tăng mạnh chế tài xử phạt nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, lễ hội và quảng cáo được dư luận hoan nghênh, hướng tới mục tiêu: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đơn cử như mức xử phạt hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa để trục lợi theo Nghị định hiện hành chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng, nhưng trong nghị định mới sẽ nâng mức xử phạt lên từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để trục lợi như lên đồng, gọi hồn, xem bói... Thậm chí, các cá nhân tham gia hành vi mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng và tổ chức thì bị phạt gấp đôi.

Theo các nhà quản lý văn hóa, lâu nay một số hành vi lợi dụng hoạt động tâm linh để trục lợi diễn ra tương đối phổ biến và một trong những nguyên nhân là do chế tài xử phạt tương đối nhẹ. Nếu Chính phủ nâng mức xử phạt vi phạm hành chính lên thì chắc chắn sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức lễ hội, đồng thời giảm thiểu được các đối tượng tham gia các hoạt động mê tín dị đoan và môi giới mê tín dị đoan.

Dư luận kỳ vọng nghị định mới về lĩnh vực văn hóa sẽ có hiệu lực, hiệu quả như Nghị định 100/2019/NĐ-CP trong lĩnh vực an toàn giao thông, giúp người dân thay đổi nhận thức trong bảo tồn và phát triển văn hóa tinh thần, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Rõ ràng với quy định phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo thuốc lá, rượu mạnh (mức xử phạt gấp đôi đối với tổ chức), chúng ta sẽ chấm dứt được tình trạng mập mờ, để lọt vi phạm, cũng như tình trạng “nhờn luật”, “lách luật” như trong thời gian qua...

Tuy nhiên, mỗi năm nước ta có khoảng 8.300 lễ hội và hàng nghìn hoạt động biểu diễn văn hóa, việc kiểm soát, thanh tra, giám sát để phát hiện được các sai phạm đặc biệt khó khăn. Chưa kể, ngành văn hóa chưa có sự phân biệt rạch ròi đâu là các hoạt động tâm linh, đâu là các hoạt động tín ngưỡng theo truyền thống và giới hạn của nó với mê tín dị đoan.

Bởi vậy, ngành văn hóa cần xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, nhất là trong lĩnh vực tâm linh, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ làm công tác văn hóa và tổ chức hoạt động văn hóa.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đang được dư luận ủng hộ, đón chờ với kỳ vọng sẽ chấn chỉnh kịp thời những vi phạm dai dẳng, tràn lan trong lĩnh vực này. Nhưng để các quy định mới đi vào đời sống, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò giám sát, phòng, chống vi phạm của mỗi người dân.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO