Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 01:38 GMT+7

Cần khẳng định, làm rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác dân tộc giai đoạn hiện nay

Biên phòng - Đó là ý kiến chung của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học tại Hội thảo góp ý nội dung Công tác dân tộc trong Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 19-6, tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Linh Đan

Tại hội thảo các đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đầu ngành về lĩnh vực công tác dân tộc đã có những ý kiến phản ánh toàn diện các vấn đề dân tộc, công tác dân tộc trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Các tham luận đề cập đến những vấn đề mới và cấp thiết trong công tác dân tộc như: Đánh giá và đề xuất bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số (DTTS) trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; vấn đề biến đổi xã hội; quản lý xung đột xã hội và điểm nóng chính trị, xã hội vùng dân tộc; thực hiện dân chủ cơ sở, bình đẳng giới ở vùng DTTS nước ta;những vấn đề mới trong tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng DTTS...

Qua đó, các đại biểu kiến nghị, đề xuất, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác dân tộc. Đặc biệt là các giải pháp cơ bản, cấp bách phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch đối với vùng DTTS và miền núi nước ta.

Một số ý kiến của đại biểu cho rằng, trong Dự thảo văn kiện hiện nay, phần dành cho vùng DTTS là quá ngắn. Một số vấn đề như thành phần dân tộc, quan hệ dân tộc, các nhiệm vụ trọng tâm chưa được thể hiện rõ, chưa có từ đột phá thể hiện về công tác dân tộc…

Các đại biểu đề xuất, để phản ánh đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay, Dự thảo văn kiện cần đề cập cụ thể hơn một số vấn đề như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc; nghiêm cấm các hành vi phân biệt và định kiến với đồng bào DTTS; dảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng DTTS, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc.

Đồng thời, dự thảo văn kiện cần có các giải pháp tiếp tục củng cố, phát huy các mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng các DTTS Việt Nam với Đảng, Nhà nước, giữa các dân tộc với nhau; ưu tiên đầu tư cho vùng DTTS và miền núi, nhất là đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

Linh Đan

Bình luận

ZALO