Biên phòng - Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu và cũng là tâm tư nguyện vọng của cán bộ, nhân dân sống trên khu vực biên giới hai tỉnh An Giang, Kiên Giang khi Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Tư lệnh BĐBP, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện Đề án "Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016" tại 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang vào cuối tháng 7-2016.
- Kiểm tra thực hiện đề án phổ biến, giáo dục pháp luật tại thị xã Sầm Sơn
- Sơ kết Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” trong tháng 6
- Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016”

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo (BCĐ) hai tỉnh Kiên Giang và An Giang, Đề án "Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016" (Đề án 1133) đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL đã chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Việc triển khai Đề án là nhân tố quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong địa bàn vùng biên giới, hải đảo.
Theo Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, để việc thực hiện Đề án có hiệu quả hơn, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung của Đề án, từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. BCĐ Đề án, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Đề án. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa BĐBP với các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong thực hiện Đề án. Sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, tình hình nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương trên địa bàn biên giới, biển đảo.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Đại tá Đặng Văn Thống, Chính ủy BĐBP Kiên Giang, Phó ban Thường trực BCĐ Đề án 1133 tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang có 58 xã, phường, thị trấn thuộc 10/15 huyện, thị xã, thành phố nằm trong khu vực biên phòng. Đường biên giới đất liền dài 56,8km tiếp giáp với Campuchia, đang trong quá trình phân giới cắm mốc. Bờ biển dài khoảng 200km; vùng biển rộng 63.290km2, có chung vùng nước lịch sử với Campuchia (rộng khoảng 8.797km2), có 5 quần đảo gồm: An Thới, Thổ Châu, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc với trên 140 hòn đảo lớn nhỏ.
Do vậy, công tác tuyên truyền PBGDPL có ý nghĩa rất quan trọng và luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các xã, phường, đồn BP đã xây dựng được các ngăn sách, tủ sách pháp luật, duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong địa bàn. Tòa án các cấp đã tổ chức xét xử lưu động được trên 200 vụ án, tập trung nhiều tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Qua đó, góp phần răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Ông Nguyễn Hồ Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh có đoàn văn nghệ Khmer, có đoàn chiếu phim lưu động. Mỗi dịp đi phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đều kết hợp lồng ghép các nội dung tuyên truyền PBGDPL cho bà con nên hiệu quả khá cao. Đơn vị cũng thường xuyên làm tốt công tác luân chuyển sách cho các xã biên giới, hải đảo, các đồn BP và các đơn vị bộ đội.
Ông Huỳnh Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức thành công 2 đợt triển lãm giới thiệu về Hoàng Sa và Trường Sa chủ quyền của Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngoài việc kết hợp tuyên truyền cho nhân dân bên kia biên giới, Sở Ngoại vụ tỉnh còn biên soạn được 2 bộ tài liệu hỏi đáp pháp luật, phục vụ nhu cầu tìm hiểu của người dân.
Vi phạm pháp luật ngày càng giảm
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ Đề án 1133 tỉnh An Giang cho biết: Các đồn BP thường xuyên quan tâm phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo duy trì thực hiện tốt Ngày Pháp luật. Hiện nay, mỗi đồn có 1 tủ sách pháp luật; mỗi xã, phường, thị trấn biên giới có từ 1 đến 5 tủ sách; mỗi tủ sách có từ 100 đến 400 đầu sách, văn bản pháp luật các loại...
Bằng hình thức tuyên truyền miệng kết hợp trình chiếu, xem các phóng sự, video clip, các đồn BP phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã tổ chức tuyên truyền được gần 2.800 buổi/112.700 lượt người tham gia. Các đồn BP đã khéo léo lồng ghép việc tổ chức tuyên truyền PBGDPL với việc vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động, như: "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự khóm, ấp khu vực biên giới"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; thực hiện tốt mô hình 4 giảm: "Giảm xuất cảnh trái phép, giảm người nghiện ma túy, giảm theo đạo trái phép, giảm tai nạn giao thông"; tích cực tham gia chương trình "Xây dựng nông thôn mới".
Qua các đợt tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, công chức, nhân dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Các đồn BP không có cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật, pháp luật, mất an toàn giao thông. Địa phương không có đơn, thư khiếu kiện vượt cấp; tỷ lệ người dân vi phạm pháp luật ngày càng giảm; tỷ lệ người dân vi phạm quy chế biên giới ít xảy ra hơn so với trước đây.
Ông Trần Hòa Hợp, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban thực hiện đề án thị xã Tân Châu, An Giang cho biết, Tân Châu là thị xã biên giới, số hộ nghèo còn nhiều, nhận thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Nhưng sau khi triển khai thực hiện Đề án, số vụ vi phạm trên địa bàn 2 xã biên giới là Vĩnh Xương và Phú Lộc đã giảm mạnh. Cụ thể: Năm 2013, có 70 vụ với 148 đối tượng, năm 2014 có 60 vụ với 100 đối tượng; năm 2015, có 43 vụ với 88 đối tượng; 6 tháng đầu năm 2016, có 15 vụ với 28 đối tượng. Qua những số liệu trên đã khẳng định tính hiệu quả của Đề án, vì vậy đề nghị nên kéo dài thực hiện Đề án thêm một thời gian nữa.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ
Bên cạnh những mặt đã được, BCĐ Đề án 1133 các cấp của 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang cũng đã thẳng thắn nêu lên một số tồn tại cần khắc phục như: Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ của một số sở, ngành, địa phương có lúc chưa chặt chẽ. Một số thành viên BCĐ chưa phát huy hết khả năng trong việc tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án ở ngành, địa phương mình. Các xã, đồn BP được chọn làm điểm, có nội dung kết quả đạt chưa cao. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên sâu về pháp luật, kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế nhất định. Hình thức tuyên truyền tuy có đổi mới nhưng chưa thực sự sinh động, hấp dẫn; áp dụng các phương tiện hỗ trợ tuyên truyền còn chưa nhiều. An Giang và Kiên Giang có đông đồng bào Khmer sinh sống trên khu vực biên giới, nhưng cán bộ tuyên truyền biết tiếng Khmer còn ít, kinh phí để dịch tài liệu sang tiếng Khmer còn quá khiêm tốn…
Phương Vy