Biên phòng - Theo Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 do Tổ chức Hòa bình xanh (GreenPeace) công bố gần đây, Hà Nội đứng thứ 2 và thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 15 về mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực Đông Nam Á.

Báo động ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung đã có từ những năm trước. Có chăng là thời gian gần đây, khi nắng nóng đỉnh điểm với tia cực tím vượt ngưỡng, các bệnh lý liên quan tăng mạnh... thì cư dân đô thị mới nhìn thấy rõ và quan tâm hơn đến các vấn đề về môi trường.
Thực tế, ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay nguy hiểm tới mức nào là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua. Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho rằng báo cáo của GreenPeace không đủ cơ sở. Bởi, theo số liệu quan trắc, mức độ ô nhiễm của Hà Nội chưa ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cộng đồng. Tuy nhiên, Bộ TN-MT thừa nhận: Trong những tháng đầu năm 2019, chỉ số bụi mịn, còn được gọi là bụi PM 2.5 trong không khí ở Hà Nội vượt ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn của Việt Nam.
Vấn đề đáng nói là độ vênh về chuẩn ô nhiễm của nước ta và thế giới. Cụ thể, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Bộ TN-MT thì giới hạn nồng độ bụi PM 2.5 trung bình 24 giờ của Việt Nam là 50µg/m3(microgam trên mét khối). Mức giới hạn này cao gấp đôi nếu so sánh với hướng dẫn của WHO và được sử dụng phổ biến ở các nước là 25µg/m3. Điều này đồng nghĩa những cảnh báo từ GreenPeace cần được xem xét nghiêm túc.
Dù cơ quan chức năng đã lên tiếng trấn an, nhưng người dân chưa thể yên tâm. Bởi, người dân ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên thấy “màu không khí” trắng đục - dấu hiệu cho thấy không khí vượt quá mức khuyến cáo phơi nhiễm bụi PM 2.5. Dữ liệu cập nhật trên AirVisual (ứng dụng cho phép kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí) về ô nhiễm bụi PM 2.5 cũng chỉ ra Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ô nhiễm không khí đang ở mức báo động.
Ô nhiễm không khí đã và đang hiện hữu, nhưng không phải ai cũng nhận ra hậu quả mà mắt thường không nhìn thấy. Tiếp xúc với bụi PM 2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp. WHO khuyến cáo, tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguồn phát thải lớn nhất từ các phương tiện giao thông (chiếm khoảng 70%) do nồng độ khí thải NO, CO2, SO2 đang vượt ngưỡng cho phép nhiều lần; tiếp đến là các nguồn gây ô nhiễm cao xuất phát từ các ngành nhiệt điện, sắt thép, xi măng...
Thực trạng ô nhiễm không khí thực sự là một thách thức với cơ quan chuyên trách trong việc nâng cao trách nhiệm và triển khai các giải pháp để có thể ứng phó. Do vậy, chúng ta cần có những đánh giá cụ thể về tác động môi trường và tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra, để truyền thông, hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng sát thực tiễn. Đặc biệt là việc kiểm soát phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng vì lợi ích kinh tế cũng như môi trường...
Song song đó, việc bảo vệ và trồng cây phủ xanh đô thị phải được quan tâm đúng mức; kiềm chế tốc độ “bê tông hóa” tại đô thị; giảm thiểu đến mức tối đa ảnh hưởng đến môi trường từ các công trình giao thông, công trình xây dựng; tuân thủ các điều kiện về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt sản xuất; áp dụng phương pháp hiện đại trong xử lý rác thải...
Cần nhấn mạnh rằng, chống ô nhiễm không khí không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho cơ quan hữu quan, mà mỗi người dân cần có ý thức để bảo vệ môi trường. Đã đến lúc, mỗi người dân cần thể hiện tình yêu và giữ gìn môi trường nơi mình gắn bó, làm việc và mưu sinh. Hãy nhớ rằng, khi lá phổi xanh của trái đất thu hẹp, cũng là lúc lá phổi của mỗi chúng ta tổn thương và phải trả giá từng ngày.
Thanh Thảo