Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 03:42 GMT+7

Cần hành động mạnh mẽ

Biên phòng - Hiện có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên (từ 5-17 tuổi), chiếm gần 10% dân số trẻ em toàn quốc đang phải làm việc nặng nhọc hoặc làm việc trong những điều kiện có hại cho sức khỏe. Kết quả điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố mới đây cho thấy, tình trạng lạm dụng lao động trẻ em đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Như vậy, sau 28 năm ký Công ước về Quyền trẻ em, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam vẫn ở mức cao và gây ra rất nhiều hệ lụy cho sự phát triển của xã hội. Là một trong những quốc gia tham gia đầy đủ vào các công ước bảo vệ và chăm sóc trẻ em, luật pháp Việt Nam có nhiều quy định xử lý nghiêm những hành vi sử dụng, lạm dụng sức lao động trẻ em. Tuy nhiên, hằng ngày, chúng ta phải chứng kiến lao động vị thành niên được sử dụng tràn lan. Do những hoàn cảnh khác nhau, mà một bộ phận trẻ em vô tình hay hữu ý buộc phải mưu sinh, kiếm sống, kể cả ly hương tìm kiếm việc làm.

Từ những công việc đơn giản như: Bán vé số, đánh giày, phụ việc, tới những việc của người lớn như sửa xe, sơn hàn, xây dựng..., thậm chí là cả những công việc nặng nhọc và nguy hiểm như bốc vác hàng hóa, khai thác lâm sản, khoáng sản... đều có lao động là trẻ em tham gia. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ các chủ doanh nghiệp tư nhân vì tiết kiệm chi phí sản xuất đã sử dụng “chui” lao động vị thành niên với mức giá nhân công rẻ mạt.

Trẻ em buộc phải lao động sớm không những bị nhiều tổn thương về thể chất, tinh thần và trí tuệ, mà còn đối mặt với nguy cơ thất học, tệ nạn xã hội, các tiêu cực ảnh hưởng xấu đến nhân cách, thậm chí bị xâm hại tình dục. Thực tế, 52% số lao động vị thành niên đã phải bỏ học, 2,8% chưa bao giờ được đến trường, 45,2% vừa học vừa làm nên kết quả học tập thấp và khả năng bỏ học giữa chừng cao.

Thế nhưng, tại nhiều địa phương kinh tế chậm phát triển, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khái niệm về lạm dụng sức lao động trẻ em còn hết sức mơ hồ, khi nhiều người ngộ nhận trẻ em cũng là một lao động chính trong gia đình.

Xóa bỏ lao động trẻ em là một  trong những ưu tiên toàn cầu và của Chính phủ Việt Nam. Những năm qua, Nhà nước đã nỗ lực giảm dần hành vi lạm dụng sức lao động trẻ em. Nhưng đảm bảo những thành tựu chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách bền vững, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm và cần sự chung tay của toàn xã hội.

Luật Trẻ em đã chỉ rõ: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em”. Nhưng để mỗi công dân chấp hành nghiêm pháp luật, các cấp, các ngành và các địa phương phải vào cuộc quyết liệt từ việc triển khai đến việc thi hành cụ thể ở cơ sở và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trẻ em.

Vấn đề có tính quyết định là gia đình và xã hội phải cùng có trách nhiệm cao đối với trẻ em, trực tiếp là các bậc cha mẹ phải ý thức được nghĩa vụ của mình với con cái. Cộng đồng và mỗi người dân không chỉ nhận thức đầy đủ về quyền, nghĩa vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em, mà còn phải có trách nhiệm thượng tôn pháp luật, tham gia cùng các các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ để không có hành vi sử dụng lao động trẻ em.

Xóa bỏ lao động trẻ em là một nhiệm vụ trọng tâm phát triển con người về thể chất và tinh thần. Nếu càng để lâu, càng bất lợi cho việc gây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO